Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7/2022
Ngày 07/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 7/2022 bằng hình thức trực tuyến thông tin những vấn đề thời sự quan trọng tới đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Dự còn có hơn 48.000 đại biểu tại 1.749 điểm cầu trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin chuyên đề “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, trên cơ sở bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đồng chí Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, có xu hướng khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tính chung 6 tháng, GDP tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Trên cơ sở phân tích, làm rõ một số bài học kinh nghiệm, những vấn đề còn khó khăn, hạn chế cũng như bối cảnh, tình hình quốc tế và trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng 2 nội dung chuyên đề được cung cấp tại hội nghị báo cáo viên tháng 7/2022. Cùng với đó tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tuyên truyền về kết quả Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, về Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh các nội dung về kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022); kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2022), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước)./.