Hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu
Ngày 21/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Sự phát triển của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk sau 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)”.

Sau 50 năm, hoạt động của nền văn học, nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Hàng năm có nhiều tác phẩm được giới thiệu, trong đó, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong khu vực, quốc gia, quốc tế, khai thác đa dạng các mảng đề tài, tạo nên sự phong phú trong việc thể hiện tác phẩm, phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống. Các hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng đã khai thác được vốn văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nghệ thuật các dân tộc được quan tâm triển khai. Ngành văn hóa của tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức sưu tầm, thống kê, nghiên cứu và biên soạn văn hóa dân gian, nghi lễ, lễ hội của dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là 2 dân tộc tại chỗ Ê Đê và M’nông. Tỉnh đã quan tâm đầu tư phục dựng, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, diễn tấu chiêng phục vụ các hoạt động du lịch gắn với xây dựng các đội văn nghệ cồng chiêng, nhất là đội văn nghệ cộng đồng, đội cồng chiêng trẻ tại buôn làng, trường học.
Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có những bước phát triển mới, phát hiện ra cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật được tăng cường. Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế.

Tại Hội thảo, đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số nội dung như: Bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa, kết quả và thách thức hiện nay ở Đắk Lắk; nâng cao chất lượng công tác giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cho thế hệ trẻ và học sinh, sinh viên hiện nay; công tác nguyên cứu, sưu tầm, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, nhiệm vụ và giải pháp; văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số với vai trò tăng cường khối đại đoàn kết, gìn giữ văn hóa truyền thống. Đại biểu cũng chia sẻ, đề xuất một số kiến nghị về giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới…