Dấu ấn đẹp của vở kịch hát “Nợ nước non” tại TPHCM

Vở kịch hát “Nợ nước non” là phần 1 trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần mang tên “Nước non vạn dặm”, công trình văn hóa chào mừng 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và các ngày lễ lớn năm 2022.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM với các diễn viên tham gia vở kịch hát.

Tối 25/7, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã trình diễn vở kịch hát “Nợ nước non” phục vụ khán giả thành phố Hồ Chí Minh. Đến dự buổi công diễn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vở kịch hát “Nợ nước non” được dàn dựng và công diễn là phần 1 trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần mang tên “Nước non vạn dặm” của nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Chuyển thể cải lương là soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn TS - NSND Triệu Trung Kiên, với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca xứ Nghệ và các nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung vở diễn tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng thiếu thời đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Để vở diễn đạt được chất lượng và in đậm dấu ấn thời đại, làm lay động được lòng người, tác giả cùng ê kíp thực hiện vở kịch hát đã chọn cách thức dàn dựng vừa họa ký ức lịch sử xã hội, đồng thời đi sâu vào luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng chính trị, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba qua hành trình từ quê nhà Nghệ An tới kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn vượt trùng khơi cứu nước.

Một cảnh trong vở diễn.

Vở diễn tiếp tục phục vụ khán giả Thành phố Hồ Chí Minh vào tối 26/7 tại Nhà hát Thành phố; sau đó sẽ lưu diễn tại tỉnh Bình Phước (27/7), Long An (29/7), Đồng Nai (30/7), Bình Thuận (1/8)...