Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 20/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tham dự Hội thảo. Các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Tuấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trần Thanh An, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì Hội thảo.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hơn 13 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 10 triệu lao động nông thôn với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp.
Trong đó, trên 80% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục việc làm cũ nhưng có năng suất chất lượng cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm, thoát nghèo và trở nên khá giả.
Hiệu quả của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt mức khá cao (2,95%/năm); Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng nhanh (8,17%/năm); nông sản Việt Nam có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giảm nghèo bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 7 tham luận, hai bài trình bày về xu hướng đào tạo nghề và tái đào tạo nghề cho các đối tượng nông dân, công nhân, lao động nữ. Các mô hình, quy trình, phương pháp cũng như phương thức đào tạo nghề, tác nghiệp trong môi trường khoa học công nghệ 4.0. Nhiều phát biểu tập trung làm rõ những vấn đề mới và thách thức của dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh mới, giai đoạn từ nay đến năm 2030. Kết quả Hội thảo góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Hội thảo đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong tình hình mới; coi người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hội thảo cũng làm rõ hơn những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nêu bật được bối cảnh mới về phát triển kinh tế xã hội của đất nước, làm rõ bản chất, phạm vi tác động, cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, khả thi đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là những giải pháp quan trọng, khả thi trong thời gian tới.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương Bình và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ban, bộ, ngành có liên quan và các địa phương nhằm phát huy các kết quả của Hội thảo này trong triển khai Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư với mục tiêu ban hành được Chỉ thị (Kết luận) mới trong thời gian tới./.