Công tác tuyên truyền miệng là kênh phản biện xã hội quan trọng

Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre khẳng định: Công tác tuyên truyền miệng không chỉ góp phần sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, mà còn là kênh phản biện xã hội, chuyển tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng,… của Nhân dân đến cấp có thẩm quyền, góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư khoá XII về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham dự của 80 đại biểu tại điểm cầu tỉnh và 872 đại biểu ở các điểm cầu cấp huyện.

Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre khẳng định: Qua 15 năm triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền miệng không chỉ góp phần sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, mà còn là kênh phản biện xã hội, chuyển tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng,… của Nhân dân đến cấp có thẩm quyền, góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ về số lượng nhưng chưa thật sự đồng đều về chất lượng; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ báo cáo viên chưa thật sự được coi trọng, thiếu thường xuyên; nội dung và hình thức tuyên truyền tuy có sự đổi mới nhưng vẫn còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở chưa thường xuyên; việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền có lúc bị động, “chạy theo” sự kiện, vấn đề.

Đối với Chỉ thị số 07-CT/TW, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đánh giá: Qua 05 năm triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở. Qua đó, các tầng lớp Nhân dân nắm bắt và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động thông tin cơ sở phần lớn vẫn là các kênh thông tin truyền thống, nội dung thông tin thiếu sinh động, đôi lúc thiếu kịp thời. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở ở một số địa phương, đơn vị xuống cấp, thiếu đồng bộ, có nơi nhà văn hoá xã hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Đánh giá kết quả 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như một số địa phương, đơn vị chưa thật chú trọng thực hiện quy định về quy trình thẩm định các công trình lịch sử Đảng; chất lượng một số công trình xuất bản chưa cao, nội dung còn dàn trải; công tác sưu tầm, lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử, nhất là nguồn tư liệu sống từ các nhân chứng lịch sử còn gặp nhiều khó khăn; công tác biên niên lịch sử chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đề nghị người cấp ủy các cấp, lãnh đạo các ngành, đơn vị cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chỉ thị của Ban Bí thư, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, thông tin cơ sở và biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; kịp thời bổ sung, kiện toàn, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; có kế hoạch rà soát nhu cầu đầu tư, trang bị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tuyên truyền miệng, thông tin cơ sở; dành nguồn kinh phí phù hợp theo phân cấp quản lý để triển khai thực hiện công tác tái bản lịch sử đảng bộ và biên soạn, biên niên, kỷ yếu ngành, đơn vị.

Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy trao bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW.

Đồng thời cần khai thác hiệu quả công nghệ thông tin hiện đại, nhất là các loại hình truyền thông mới trên nền tảng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; kịp thời phát hiện, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện các chỉ thị./.