Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ tại tỉnh An Giang
An Giang (TTXVN 18/8)
Chiều 18/8, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20-NQ/TW) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh An Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Tầng Phú An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang cho biết, trong những năm qua, tỉnh thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn và thu được nhiều kết quả quan trọng. Các luận cứ khoa học đảm bảo cho việc hoạch định các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, thủy sản nước ngọt, rau màu,… Hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa nền hành chính và các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng tăng; trung bình, giai đoạn 2011 -2020, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 4,92%, trong đó đóng góp của TFP là 1,43%; tổng số cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là 2.018 người (trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 131 thạc sĩ).
Để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ nhanh chóng đi vào cuộc sống, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 1442/QĐ/UBND phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020. Qua đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó, xác định phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2011 – 2020, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy phép hoạt động; có 12 đơn sáng chế (dự kiến được cấp 4 sáng chế); đã chuyển giao 165 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các bên đặt hàng, ứng dụng vào thực tiễn; triển khai thực hiện 5 dự án phát triển cơ sở vật chất về khoa học và công nghệ với tổng mức đầu tư trên 301 tỷ đồng.Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, khoa học và công nghệ đã góp phần quyết định vào việc nâng cao tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh đặt ra hằng năm. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống được chú trọng đã góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và tăng cường tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập ở các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Cụ thể, ứng dụng có hiệu quả các đề tài khoa học xây dựng thủy lợi về thiết kế kênh mương tưới tiêu nội đồng, đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, thoát lũ ra biển Tây..., góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên đất của vùng tứ giác Long Xuyên.
Tỉnh đã và đang nghiên cứu phát triển giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đồng thời cũng chọn tạo được các bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp cho vùng trồng tránh lũ; giống có khả năng chịu ngập, chịu hạn, chống chịu được sâu bệnh hại chính và có phẩm chất tốt; giống lúa thơm; giống chống chịu rầy nâu... góp phần làm đa dạng bộ giống lúa có chất lượng tốt, giải quyết được vấn đề thoái hóa giống và phục vụ phát triển lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa giống trên địa bàn tỉnh.Cùng với đó, việc ứng dụng kết quả các nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống thủy sản cũng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành khoa học và công nghệ của tỉnh An Giang trong thời gian qua, đặc biệt là nghiên cứu thành công và chuyển giao các quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng, cá linh ống, cá leo, cá heo, cá chạch lấu, cá trên bầu, lươn đồng, cá rô biển..., góp phần đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản của địa phương và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, sau 10 năm, Nghị quyết số 20-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị, tuy nhiên, Trung ương cần có một kết luận chỉ ra những yêu cầu mới để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhất là cần hình thành các cơ chế chính sách phù hợp đủ sức hút, kích thích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ…
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề về ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; cơ chế chính sách, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh - Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của tỉnh An Giang. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; tập trung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thu hút, động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động này.
Muốn thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh, thời gian tới, An Giang phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là hạt nhân, đóng vai trò trung tâm trong phát triển khoa học và công nghệ. Muốn vậy, tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,… để thu hút thật nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ ghi nhận đầy đủ và cập nhật vào báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Trong chương trình khảo sát, Đoàn công tác có buổi khảo sát hoạt động sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trang trại hữu cơ Bảy Núi tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên và khảo sát hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Nhà máy thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Kỳ, ở xã An Tức, huyện Tri Tôn./.
Công Mạo