Xuất bản cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập”
Cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” thể hiện cách tiếp cận đa chiều về những thành tựu và những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm làm cho văn hóa được phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế.
Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” của nhà báo, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.
Cuốn sách tập hợp những bài viết chọn lọc, từng đăng trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân...; các Tạp chí Cộng sản, Tuyên giáo từ cuối năm 2014 đến nay, bao gồm nhiều thể loại: xã luận, bình luận, chuyên luận, bút ký, phóng sự, ghi chép...
Tất cả những bài viết đều tập trung thể hiện sinh động các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, thể hiện những nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Những phẩm chất đó đã tạo nên bản sắc, sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước, giữ nước, và đang được phát huy cao độ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần thể hiện cách tiếp cận đa chiều về những thành tựu và những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phân tích, lý giải có sức thuyết phục các nguyên nhân chủ quan và khách quan, kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm làm cho văn hóa được phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế; đồng thời để văn hóa thật sự thấm sâu vào lối nghĩ, nếp sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn của đất nước.
Cuốn sách cũng giúp độc giả hình dung cách làm sáng tạo để mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sớm thành hiện thực, thông qua các việc làm sinh động thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế ở nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước./.