Vận dụng một số vấn đề tâm lý - sư phạm để nâng cao chất lượng, hiệu quả trình bày bài nói

Tuyên truyền miệng có liên quan nhiều đến các vấn đề tâm lý - sư phạm. Việc nắm vững những vấn đề tâm lý - sư phạm giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên biết theo dõi lời nói của mình đang tác động đến người nghe như thế nào và hiểu về đối tượng đang tiếp thu lời nói của mình như thế nào.

1. Một số vấn đề tâm lý - sư phạm của báo cáo viên, tuyên truyền viên

a. Phẩm chất và năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên

Kết quả bài phát biểu phụ thuộc rất lớn vào những phẩm chất và năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Phẩm chất cơ bản, cần thiết của báo cáo viên, tuyên truyền viên là thế giới quan khoa học; là lý tưởng, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; là lòng say mê nghề nghiệp, là trách nhiệm đào tạo, giáo dục con người; là đạo đức, lối sống trong sáng, giản dị, là sự khiêm tốn, tính thật thà; là tình yêu thương và thái độ tôn trọng đối với con người; là tính chan hòa, sự điềm đạm và linh hoạt...

Năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên được thể hiện ở khả năng hiểu biết về đối tượng, ở vốn tri thức và hiểu biết rộng, khả năng phân tích - tổng hợp, sự nhạy bén trước các vấn đề chính trị - xã hội xuất hiện trong thực tiễn, vốn sống phong phú, ở năng lực xử lý tài liệu; ở năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp, đối thoại; năng lực trình bày hấp dẫn, thuyết phục....  

b. Uy tín của báo cáo viên, tuyên truyền viên

Trong tâm lý học, uy tín được hiểu là quan hệ liên nhân cách, trong đó thể hiện sự phục tùng một cách tự giác hoặc tin tưởng của người khác đối với người có được phẩm chất ấy.

Bản chất của uy tín là sự chuyển tiếp đặc biệt từ nhận thức của một con người nhất định thành sự thừa nhận không cần bàn cãi về tính chân lý của những ý kiến mà người đó nêu lên.

Nguồn gốc tạo nên uy tín cho mỗi người chính là sự thành công trong công tác của họ. Uy tín cũng có thể được hình thành bởi địa vị xã hội, bởi hiểu biết, kinh nghiệm và danh tiếng của con người. Cho nên, trong thực tế chúng ta thường thấy khi thông báo về buổi nói chuyện sắp được tổ chức của một nhà hoạt động chính trị - xã hội có uy tín hoặc một nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng thì số lượng người nghe tăng lên.

Người nói có uy tín sẽ nhanh chóng tạo ra được ấn tượng tích cực cho người nghe. Ấn tượng tích cực về người nói làm cho các động lực tinh thần của người nghe tăng lên. Trong cơ cấu của ấn tượng chứa đựng các yếu tố cảm xúc và yếu tố hợp lý đối với nhân cách, trong đó yếu tố cảm xúc ban đầu đóng vai trò chủ yếu vì ấn tượng có thể xuất hiện ngay từ những phút đầu gặp gỡ và xuất hiện đôi khi dễ dàng đến kỳ lạ.

Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng, ấn tượng tác động liên tục theo thời gian. Ấn tượng biểu hiện không chỉ trong một lúc mà có thể tác động lặp lại trong những điều kiện tương tự. Chẳng hạn, quan hệ tốt của một người đối với một báo cáo viên, tuyên truyền viên xuất sắc được lập lại và củng cố theo định kỳ của các cuộc gặp gỡ.

Uy tín là một trong những tiền đề quan trọng và là điều kiện rèn luyện bắt buộc để đạt dược thành công trong tuyên truyền miệng.

2. Một số vấn đề tâm lý - sư phạm của đối tượng

a. Tri giác và sự hiểu biết

Trong việc nghiên cứu, nắm bắt những đặc điểm tâm lý của đối tượng, vấn đề tri giác và hiểu biết giữ một trong những vị trí trung tâm, chúng phụ thuộc vào cả nhân tố bên trong lẫn bên ngoài trong quan hệ giữa người với người. Dưới đây là những nhân tố ảnh hưởng đến tri giác và sự hiểu biết.

+ Kinh nghiệm cũ của con người. Người nghe thường so sánh những thông tin mới thu được với lượng thông tin đã được giữ lại trong trí nhớ. Mức độ phù hợp của thông tin mới với kinh nghiệm cũ càng cao thì mức độ tác động của thông tin mới càng lớn và ngược lại. Trên cơ sở kinh nghiệm cũ mà người nghe có sự tin tưởng hay không tin tưởng vào lượng thông tin mới, sự không tin tưởng sẽ dẫn đến phủ nhận một phần hoặc hoàn toàn những thông tin mới. Nội dung tuyên truyền miệng càng phù hợp với sự định hướng của người nghe thì nhận thức của người nghe càng đầy đủ hơn và sự phản ứng của họ cũng phù hợp hơn đối với vấn đề được đề cập trong nội dung bài nói. Vì vậy nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của bài nói là sự nhất trí, tương đồng về quan điểm giữa người nói với người nghe.

+ Ấn tượng của người nghe đối với chủ đề tuyên truyền miệng. Một trong những đặc điểm quan trọng của tri giác là tính lựa chọn. Người nghe sẽ lựa chọn những thông tin phù hợp với ấn tượng của họ để tiếp thu và bỏ qua những thông tin xét thấy không phù hợp với ấn tượng đó. Trong trường hợp thuận lợi, sự kết hợp thuận chiều sẽ tạo nên bầu không khí đồng cảm, đồng sáng tạo, bầu không khí này đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc tiếp thu và nhận thức nội dung tuyên truyền miệng.

+ Trình độ của người nghe. Nếu trong bài tuyên truyền miệng, người nói sử dụng những lời nói, những câu văn hoặc những hình tượng văn học nghệ thuật mà người nghe không hiểu và chúng chưa có trong kinh nghiệm của họ thì bài nói chuyện đó sẽ không đạt được sự hưởng ứng mong muốn. Cho nên, việc lựa chọn tư liệu đưa vào bài nói phải chú ý đến trình độ hiểu biết vốn có của người nghe.

b. Sự thiện cảm

Bài tuyên truyền miệng có quan hệ với những người nghe nhất định, đó là những cộng đồng có tính chất nhất thời (tập trung trong một lần nghe nói chuyện) hoặc là nhóm có tính chất bền vững (một tập thể).

Với tư cách là một cộng đồng, người nghe thể hiện thái độ thông qua sự thiện cảm hay không thiện cảm đối với người nói. Khi đã có thiện cảm thì những luận điểm mà người nói đưa ra đều được đối tượng chấp nhận, ít bị suy xét, ở họ xuất hiện trạng thái tâm lý tích cực, sự chờ đợi, sự chăm chú, hào hứng. Ngược lại, với những người không có thiện cảm thì dù vẫn những nội dung ấy, công chúng tiếp nhận một cách dè dặt, xét đoán từng lời nói, từng sự việc, thậm chí còn có sẵn tâm lý bác bỏ, mặc dù họ không có đủ lý lẽ để phủ định.

Sự thiện cảm thường xuất hiện từ ấn tượng. Ấn tượng lại xuất hiện rất nhanh chóng. Vì vậy, trong khi giao tiếp với người nghe, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần chủ động tạo ra ấn tượng tốt ngay từ những phút đầu tiên gặp gỡ bằng cử chỉ, điệu bộ, cách nói năng, phong cách giao tiếp gần gũi, thân mật… Nắm được hiện tượng tâm lý này sẽ cho phép người nói sử dụng những thủ thuật tâm lý để xây dựng mối thiện cảm với người nghe ngay từ những phút đầu và biết duy trì nó trong suốt quá trình nói chuyện.

Để xây dựng được thiện cảm ở người nghe, người nói cần chú ý tới một số vấn đề sau: Phải chú ý tới trang phục, ngôn ngữ cơ thể, cần khai thác hết giá trị của nụ cười, cần chú ý tới nét đẹp của tư thế, giữ vững sự giao lưu qua ánh mắt, sử dụng điệu bộ hợp lý.

c. Những vấn đề về sự chú ý

Trong tâm lý học, chú ý được hiểu là sự tập trung của ý thức vào một hoặc một số đối tượng trong một thời gian nhất định để phản ánh hoặc nhận thức chúng một cách rõ nhất. Sự tập trung của ý thức thể hiện ở chỗ, người nghe chỉ theo dõi lời nói của diễn giả chứ không làm việc khác: đọc sách, nhìn ra bên ngoài hoặc nói chuyện với nhau. Có người tập trung chú ý tới mức họ bỏ qua tất cả những gì ngoài việc họ đang làm, ngoài cái họ đang nghe.

Khi quan sát sự chú ý của người nghe, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần nắm vững một số đặc điểm sau của sự chú ý:

+ Sức tập trung chú ý thể hiện ở việc đi sâu vào vấn đề của bài nói và bỏ qua những gì ngoài việc đó.

+ Sự bền vững của chú ý phụ thuộc vào tính đa dạng, vào khối lượng thông tin, vào sự phù hợp của thông tin với hứng thú của người nghe, vào kỹ năng của người nói: biết tránh nhịp điệu đều đều của lời nói làm cho óc người nghe bị ức chế. Vì vậy, phải biết tăng cường tính tích cực chú ý của người nghe bằng một trong số thủ thuật.

Tăng cường tính tích cực chú ý của người nghe trong quá trình trình bày bài tuyên truyền miệng là vấn đề hết sức quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả bài nói. Báo cáo viên, tuyên truyền viên cần nắm vững những quy luật của chú ý trong tâm lý học để có thể vận dụng chúng một cách có hiệu quả khi nói chuyện trước cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Muốn vậy có thể sử dụng một số thủ thuật sau để thu hút sự chú ý khi bắt đầu phát biểu:

+ Bắt đầu bằng hiện tượng mới lạ hoặc đang tranh luận mà chưa đi đến ngã ngũ.

+ Bắt đầu bằng một sự kiện mà mọi người đều quan tâm.

+ Bắt đầu bằng mẩu chuyện ngắn mang tính chất cá nhân. Ví dụ “Tôi vừa mới ở thành phố X về được chúng kiến một hiện tượng... ”

+ Bắt đầu xưng hô với cường độ không bình thường (cường độ cao là phổ biến).

d. Những vấn đề trí nhớ

Trí nhớ là khả năng lưu giữ thông tin và tái hiện những thông tin được lưu giữ hoặc kinh nghiệm cũ để sử dụng chúng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trí nhớ được hình thành trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ các giác quan. Tùy theo loại thông tin mà sử dụng giác quan nào để tiếp nhận thì hiệu quả hơn. Thông thường, sử dụng nhiều giác quan sẽ giúp việc ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn.

 Một báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm luôn luôn cố gắng giúp người nghe ghi nhớ một lượng thông tin nhất định cần thiết cho họ. Ví dụ, khi thông báo một vấn đề mới, cán bộ tuyên truyền miệng cố gắng gắn nó với những hiểu biết hiện có của người nghe thông qua sự liên tưởng (theo cách tương đồng hoặc tương phản). Trước khi trình bày những điều cần ghi nhớ, cần nói với người nghe “bây giờ chúng ta đi đến kết luận”, “vậy là”, “như thế là”, “nói cách khác” để người nghe tập trung sự chú ý vào những điều cần nhớ. Tốt nhất nên chia lượng thông tin quan trọng nhất thành các đề mục có đánh số thứ tự 1,2, 3...

e. Khoảng cách về quan điểm giữa người nói và người nghe

Trong thực tế của quá trình tiến hành một buổi tuyên truyền miệng thường xuất hiện, tồn tại khoảng cách về quan điểm của người nói và của người nghe. Khoảng cách này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tiếp thu thông tin của người nghe.

Hiệu quả một bài nói chuyện tuyên truyền miệng được đánh giá bằng những biến đổi xảy ra trong tâm thế, thái độ của người nghe về vấn đề mà bài nói đề cập. Sự biến đổi đó diễn ra theo 3 xu hướng và thể hiện ở 3 mức độ sau:

- Tâm thế khẳng định

Ở những đối tượng có tâm thế khẳng định đối với vấn đề được tuyên truyền thì mục đích của người nói là nhằm tiến hành định hình, củng cố những quan điểm đã có sẵn, làm cho họ ít hoặc không bị ảnh hưởng của những quan điểm đối lập và có định hướng bền vững, ít bị dao động trước diễn biến của hoàn cảnh.

- Tâm thế trung lập

Ở những đối tượng có tâm thế trung lập, thờ ơ chú ý với những quan điểm được đề cập trong nội dung tuyên truyền miệng, có thể hình thành được quan điểm và tâm thế mong muốn bằng cách sử dụng quy luật điều tiết tâm thế.

- Tâm thể phủ định

Ở những đối tượng có tâm thế phủ định đối với vấn đề được tuyên truyền thì mục đích của người nói là phải thay đổi quan điểm của họ theo hướng cần thiết. Lúc này kết quả tuyên truyền được đo bằng mức độ giảm dần, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa những quan điểm của người nói và người nghe. Người nói càng làm cho quan điểm của người nghe xích lại gần với quan điểm của mình bao nhiêu thì hiệu quả tác động càng cao bấy nhiêu. Trong trường hợp này, người nói cần sử dụng triệt để quy luật thay đổi tâm thế, bằng cách sử dụng thủ thuật tâm lý làm dịu ác cảm; đưa ra những luận cứ khoa học, vững chắc để thuyết phục, cảm hóa, mời người có uy tín cao đến thuyết phục, hoặc chia nhỏ vấn đề mà giữa người nói và người nghe còn có khoảng cách lớn để thuyết phục dần từng vấn đề nhỏ đó…