Tuyên truyền, định hướng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Tạp chí Sức khoẻ trẻ em đã chính thức ra mắt bộ mới gồm hai ấn phẩm Tạp chí in và Tạp chí điện tử (suckhoetreem.vn).

Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút, khai trương bộ mới Tạp chí Sức khỏe trẻ em.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em (tiền thân là Tạp chí Tình thương & Cuộc sống) là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ: Tuyên truyền về trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật; Cung cấp thông tin về các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tật nguyền. Ngoài ra, Tạp chí còn đóng vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước với những người làm công tác chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.

Điểm nhấn, tạo bước đột phá trong lộ trình phát triển thời gian tới là Tạp chí ưu tiên thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Tạp chí Sức khỏe trẻ em điện tử bao gồm 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, với giao diện, công nghệ, ứng dụng, tiện ích hiện đại như trí tuệ công nghệ nhân tạo AI, các tiện ích làm báo, tạp chí mới đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu. Toàn bộ nội dung tin, bài trên các chuyên mục sẽ được thường xuyên tạo các điểm nhấn để lan tỏa các bài viết chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và phòng ngừa tật nguyền và chăm sóc, chữa trị, giáo dục khuyết tật.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Lễ ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khỏe trẻ em là bước phát triển quan trọng của Tạp chí sau hơn 20 năm phát triển. Đặc biệt, đối tượng chính của Tạp chí Sức khỏe trẻ em là hơn 2 triệu trẻ em khuyết tật cho thấy nhiệm vụ của Tạp chí là vô cùng quan trọng.

Nêu rõ cách làm báo hiện nay đi sâu vào những nội dung mang tính truyền cảm hứng, mang lại cái nhìn tốt đẹp cho xã hội, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, Tạp chí sẽ có nhiều “dư địa” để kể những câu chuyện xúc động, những tấm gương, mô hình tốt…  lan tỏa đến đông đảo công chúng, bạn đọc. Từ đó tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao quá trình hoạt động của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống với những kết quả và thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc đổi tên thành Tạp chí Sức khỏe trẻ em là một tất yếu của quá trình phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và nhu cầu của bạn đọc.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu, trong thời gian tới, Tạp chí Sức khỏe trẻ em cần nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ để trở thành một trong những cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu về chăm sóc trẻ em khuyết tật. Tạp chí phải là diễn đàn, nơi giao tiếp, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, phản hồi ý kiến của bạn đọc về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em. Thường xuyên có các bài chuyên sâu có tính định hướng, góp phần dẫn dắt dư luận, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức cán bộ, đảng viên và người dân về công tác trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng

Với sứ mệnh “Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái, Tạp chí Sức khỏe Trẻ em không chỉ cung cấp thông tin mà còn hướng tới việc tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Tạp chí cần đề cao tính nhân văn trong từng bài viết, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động xã hội ý nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa yêu thương và sự sẻ chia đến cộng đồng.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, Tạp chí cần phát hiện, nhân rộng, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tập thể, cá nhân trong công tác chăm sóc trẻ em, trẻ em khuyết tật. Vận động tập hợp, tiếp nhận sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần của các cá nhân và tập thể, các tổ chức xã hội, từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước để thực hiện tốt các hoạt động tổ chức khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em khuyết tật, tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em khuyết tật có thể lao động tự nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình, xã hội, sống hòa nhập với cộng đồng…