Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên

Ngày 26/12, tại tỉnh Lâm Đồng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên”.

Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Tây Nguyên có một vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước; có nguồn tài nguyên to lớn về đất đai, rừng núi, có khí hậu đặc thù ôn đới, nhiệt đới, có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo.

Với trên 30% dân số là người dân tộc thiểu số thuộc 54 dân tộc khác nhau, Tây Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc, đa dạng; là nơi lưu giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá như: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận, vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”; kho tàng văn học truyền miệng, Sử thi Tây Nguyên; kiến trúc nhà rông, nhà sàn của người Bana, Giarai, Êđê, M'nông; Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Mộc bản triều Nguyễn… Tất cả chứa đựng những tiềm năng to lớn hình thành nên những bản sắc độc đáo, đặc thù của vùng văn hoá Tây Nguyên - một vùng văn hoá hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở của nền “văn minh nương rẫy”.

Đồng chí Trần Đình Văn cũng khẳng định, Hội thảo lần này góp phần cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa gắn với tình hình thực tiễn vùng Tây Nguyên; qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong thời gian tới.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất, các đại biểu đã có những tham luận, trao đổi, chia sẻ thực trạng triển khai việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn với thực tiễn và đặc trưng riêng của vùng Tây Nguyên; vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền, của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân vùng Tây Nguyên trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay…

Các tham luận đều khẳng định đẩy mạnh triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên. Qua đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp từ thực tiễn vùng Tây Nguyên để tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng có hiệu quả các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại phiên thứ 2 thảo luận, tọa đàm bàn tròn, đại diện các cơ quan nghiên cứu lý luận, các chuyên gia, nhà khoa học trong vùng đã có những chia sẻ, lý giải, cung cấp thêm những thông tin, căn cứ hữu ích từ góc độ quản lý và thực tiễn từng địa phương trong vùng về việc xây dựng và thực hiện các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay.

Kết luận hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đây là Hội thảo thứ hai trong số các hội thảo, tọa đàm về các hệ giá trị tại các vùng, miền, địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ được tổ chức trong 2 năm 2023 - 2024 theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Trần Thanh Lâm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các tỉnh ủy, các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong vùng trao đổi kết quả nghiên cứu; thảo luận, đi đến thống nhất nhận thức về các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Đồng thời xác định những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và Nhân dân trong vùng triển khai thực hiện nhằm giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển bền vững vủng Tây Nguyên.

Đồng chí Trần Thanh Lâm nêu rõ: Qua Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới./.