Yêu cầu Nhật Bản dùng phương pháp khác để xử lý nước nhiễm phóng xạ
Trung Quốc và Nga cùng đệ trình một danh sách gồm 20 câu hỏi tới Chính phủ Nhật Bản, trong đó cho rằng phương pháp “khí hóa” sẽ "ít ảnh hưởng đến các nước láng giềng hơn là xả ra đại dương."
Hãng tin Kyodo ngày 20/8 dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tháng trước, Chính phủ Trung Quốc và Nga đã trực tiếp gửi yêu cầu đến Nhật Bản xem xét giải pháp “khí hóa” các bể chứa nước làm mát từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, thay vì xả ra biển. Tuy nhiên, Tokyo đã bác bỏ phương án này.
Cụ thể, cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã cùng đệ trình một danh sách gồm 20 câu hỏi tới Chính phủ Nhật Bản, trong đó cho rằng phương pháp “khí hóa” sẽ "ít ảnh hưởng đến các nước láng giềng hơn là xả ra đại dương."
Một kiến nghị tương tự được cho là đã được gửi đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
"Khí hóa” là phương pháp làm bay hơi lượng nước có chứa chất phóng xạ tritium và thải dần ra bầu khí quyển.
[Nhật Bản chưa ấn định thời điểm xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân]
Trên thực tế, phương pháp này cũng đã được Chính phủ Nhật Bản cân nhắc trong thời gian ngắn, nhưng đã buộc phải dừng lại do khó khăn trong việc giám sát các chất phóng xạ thải ra không khí, đồng thời kiên trì với giải pháp thải ra đại dương.
Trung Quốc và Nga đã phản đối lập trường này của Nhật Bản, đồng thời cho rằng Tokyo không áp dụng phương pháp "khí hóa" này là do vấn đề chi phí.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ gặp các thành viên cấp cao của những tổ chức đại diện cho ngư dân trong ngày 21/8 để xác nhận độ an toàn của nước đã qua xử lý phóng xạ./.