Ý nghĩa của y tế dự phòng trong kiểm soát các bệnh không lây nhiễm
Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát, bởi cứ 100.000 ca tử vong thì có tới 18.800 ca liên quan đến phơi nhiễm khói thuốc lá tại Việt Nam mỗi năm.
Đối với ngành y tế, kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.
Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát, bởi cứ 100.000 ca tử vong thì có tới 18.800 ca liên quan đến phơi nhiễm khói thuốc lá tại Việt Nam mỗi năm.
Vì vậy, việc vận dụng y tế dự phòng để thiết lập các biện pháp ngăn ngừa yếu tố nguy cơ của thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung là hướng tiếp cận hiện đại trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hướng tiếp cận mới để phòng ngừa tác hại và cai nghiện thuốc lá
Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại Học Khoa học Sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên Trưởng khoa Y Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Tim mạch Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, y khoa có 3 xu hướng chính.
Một là chẩn đoán và xử lý bệnh tật, vốn được tập trung nhiều nhất. Hai là phục hồi chức năng, hướng dẫn tiếp tục điều trị bệnh. Ba là y tế dự phòng nhằm ngăn bệnh tật bùng phát hoặc gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Giáo sư Phước nhấn mạnh tầm quan trọng của y học dự phòng chính là tập trung vào bộ phận dân cư rất lớn, với phần lớn đối tượng đang trong độ tuổi lao động. Trong 30-40 năm gần đây, y học thế giới tập trung vào việc phát hiện các yếu tố nguy cơ có khả năng gây bệnh.
Nếu những nguy cơ này có thể được phát hiện và can thiệp sớm thì sẽ tác động rất tốt đối với việc ngăn ngừa sự bùng phát của bệnh lý, giảm nhẹ gánh nặng cho ngành y tế.
Vì vậy, Giáo sư Phước nhấn mạnh vai trò của y tế dự phòng trong việc hạn chế các yếu tố nguy cơ. Trong việc kiểm soát tác hại khói thuốc lá đến sức khỏe con người, ông cũng đề cập đến các phương pháp làm sao để giảm thiểu tới mức thấp nhất những hậu quả bệnh tật do thuốc lá gây ra.
Cụ thể, khi nhắc đến tác hại của thuốc lá, nicotine thường bị gắn liền với những nguy cơ sức khỏe. Tuy nhiên, đây chỉ là thành phần gây nghiện của thuốc lá, 93 trong 6.000 tạp chất trong khói thuốc do đốt cháy mới là thủ phạm chính gây ra các bệnh hiểm nghèo như COPD, bệnh tim mạch, ung thư,... Chính vì vậy, Giáo sư Phước cho rằng, việc hiểu rõ vai trò của nicotine sẽ mở ra hướng tiếp cận hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện hiệu quả hơn.
Theo đó, một số quốc gia trên thế giới như Anh, Philipines hiện đang áp dụng những biện pháp cai nghiện trung gian như chuyển sang các dược phẩm nicotine thay thế (NRT) như miếng dán, kẹo ngậm nicotine, hoặc các sản phẩm thuốc lá thay thế không đốt cháy đã được kiểm nghiệm khoa học…
Điểm chung của các biện pháp này loại bỏ quá trình đốt cháy tạo ra khói, từ đó giảm nguy cơ từ khói thuốc. Sau đó, kết hợp cùng ý chí, sự hiểu biết của người hút cũng như quá trình truyền thông để giúp người dùng tiến tới mục tiêu tiên quyết cuối cùng là cai hoàn toàn thuốc lá.
Điều này cũng giống như việc không phải phòng ngừa tiểu đường, mỡ máu, dư đạm bằng cách hoàn toàn không ăn đường, mỡ, đạm. Do vậy, ngoài vấn đề phát hiện và quản lý bệnh thì vấn đề quản lý, giáo dục và điều chỉnh tất cả yếu tố nguy cơ trở thành một yếu tố rất quan trọng để có tác động tới hành vi, thói quen tiêu dùng.
Toàn diện hóa y tế dự phòng bằng giám sát chặt chẽ nguồn cung
Tại Việt Nam, y tế dự phòng được áp dụng để hạn chế tác hại của thuốc lá thông qua việc ban hành và triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012), cấm quảng cáo, khuyến mại, truyền thông nâng cao nhận thức, tăng thuế... Tuy nhiên, sự lan rộng của thuốc lá mới từ thị trường chợ đen đang đặt ra bài toán khó cho cơ quan chức năng, dù Nghị quyết cấm đã được ban hành.
Vì vậy, cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu nguy cơ gây bệnh từ khói thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện bền vững, chiến lược kiểm soát thuốc lá bằng y tế dự phòng cần được mở rộng sang quản lý thị trường, nhằm ngăn chặn rủi ro từ các sản phẩm thuốc lá lậu.
Trên thế giới, các quốc gia ngày càng thay đổi cách quản lý thị trường thuốc lá, chuyển từ kiểm soát hành vi tiêu dùng sang giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn cung, hay chuyển đổi chính sách kiểm soát thuốc lá từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung giám sát sau lưu hành thay vì áp đặt rào cản ngay từ đầu.

Cụ thể, năm 2019 CDC Mỹ đã ghi nhận nhiều ca EVALI (tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử) do sử dụng hàng lậu chứa tinh dầu cần sa. Để đối phó, FDA Mỹ đã siết chặt quy trình thẩm định sản phẩm, cấm pha trộn các chất cấm và đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ từ hàng lậu. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm Mỹ không phát hiện thêm ca EVALI mới.
Mới đây FDA cũng công bố nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Dự phòng Mỹ (AJPM) ngày 14/3, cho thấy nỗ lực của ngành y tế nước này đã giúp giảm gần 70% tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ so với năm 2019, hiện đạt mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Như vậy, y tế dự phòng không chỉ đóng vai trò hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, mà còn giúp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, nâng cao nhận thức và tạo ra các giải pháp bền vững.
Khi cuộc chiến chống thuốc lá vẫn đang tiếp diễn, một chính sách phòng ngừa toàn diện sẽ là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu gánh nặng y tế trong tương lai./.