Xuyên Việt để 'trấn yểm,' Thầy Long vi phạm phòng chống dịch thế nào?
Dư luận đang chờ đợi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng xác minh và xử lý việc Thầy Long khoe khoang xuyên Việt để 'trấn yểm' trong thời gian giãn cách xã hội.
Sau khi báo chí phản ánh việc ông Lương Chính Khang (chủ tài khoản YouTube Thầy Long 0984133133) tung clip xúc phạm Đạo Mẫu, vào Thành phố Hồ Chí Minh "làm phép" để đẩy lùi dịch COVID-19, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và đặt câu hỏi liệu có đúng ông Lương Chính Khang có thể đi lại giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn giãn cách xã hội?
Phóng viên Báo VietnamPlus đã liên hệ với cơ quan chức năng để tìm hiểu sự việc.
Khai báo y tế không trung thực
Ông Lương Chính Khang (tên khác là Lương Gia Long) hiện đang cư trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Thời gian gần đây, người này đăng nhiều clip lên YouTube và Facebook, tự xưng là "Ngọc Hoàng Đại Đế," cho rằng mình có thể cứu giúp “bách gia trăm họ” thoát khỏi dịch COVID-19 bằng cách làm phép, trấn yểm… Các clip cũng ghi lại hành trình ông Lương Chính Khang di chuyển bằng ôtô vào Thành phố Hồ Chí Minh để trấn yểm, khống chế dịch bệnh. Người này về Hà Nội ngày 21/9.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Xuân Tảo, cho biết sau khi từ Thành phố Hồ Chí Minh về, ông Lương Chính Khang đã khai báo y tế và địa phương đã nắm được thông tin. Ủy ban Nhân dân phường đã ra Quyết định số 1072/QĐ-UBND, yêu cầu ông Lương Chính Khang phải cách ly tại nhà từ ngày 21/9/2021 đến hết ngày 5/10/2021.
Tuy nhiên, ngày 22/9, người này vẫn đến Bệnh viện 19-8 (Hà Nội) để xét nghiệm chất gây nghiện nhằm chứng tỏ mình không sử dụng ma túy, đủ năng lực dân sự để đối chất với dư luận, báo chí và cơ quan chức năng.
Theo thông tin xác minh tại Bệnh viện 19-8, đúng là ngày 22/9, ông Lương Chính Khang có đến xét nghiệm chất gây nghiện. Lãnh đạo bệnh viện cho hay ông Khang có khai báo y tế theo đúng quy định tại bệnh viện. Ở nội dung “Trong vòng 14 ngày qua, anh chị có đến tỉnh, thành phố, quốc gia/vùng lãnh thổ nào?” Ông Khang khai báo là “không.”
Như vậy, có thể thấy ông Lương Chính Khang đã vi phạm quyết định cách ly của địa phương và khai báo y tế không trung thực.
Phân tích trường hợp này, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TGS, phỏng đoán ông Khang có thể đi lại dễ dàng trong khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bởi người này có thể có thẻ luồng xanh.
[YouTuber 'làm phép' đẩy lui dịch COVID-19, xúc phạm tín ngưỡng thờ Mẫu]
Theo Thông tư 15/2018/TT-BCT, thẻ luồng xanh được cấp cho các chủ phương tiện vận tải chở hàng hóa thiết yếu, xe chở hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, xe chở công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Bên cạnh đó, khi đi qua chốt kiểm dịch thì lái xe phải có giấy xét nghiệm COVID-19 theo quy định của cơ quan y tế.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng trường hợp ông Long không đủ điều kiện để đăng ký thẻ luồng xanh nhưng vẫn được cấp thì đây là hành vi cấp thẻ không đúng quy định.
Trường hợp đối tượng được cấp giấy luồng xanh đúng quy định nhưng lại di chuyển không đúng mục đích cũng như không nằm trong đối tượng được lưu thông luồng xanh thì lực lượng chức năng cần xử lý việc lợi dụng giấy nhận diện phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
“Người dân ra ngoài đường khi không cần thiết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm,” luật sư cho biết.
Đối với việc sử dụng xe luồng xanh sai mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính vì không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, theo đó có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
YouTube đã gỡ bỏ 13 video
Không chỉ “khoe khoang” trên YouTube về việc di chuyển liên tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội, ông Lương Chính Khang đã đăng nhiều clip xúc phạm đến đạo Mẫu và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cụ thể ông này cho rằng dịch bệnh bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh là do “Hưng Đạo Vương không trấn thủ,” bắt Hưng Đạo Vương “quỳ gối, van xin,” ném bộ bài vào tượng Tam tòa Thánh Mẫu…
Qua kênh YouTube cá nhân, ông Lương Chính Khang khẳng định việc mình làm là đúng luật, có thể cứu được nhiều người. Ông này còn khẳng định khi tiến hành làm lễ tại tượng đài Trần Hưng Đạo, có vài tổ công tác cũng có mặt ở đó.
Trong thời gian tự cách ly tại nhà, người này tiếp tục đăng nhiều clip xem bói online.
Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Lưu Đình Phúc cho hay YouTube đã chặn 13 video trên kênh Thầy Long 0984133133 (có 112.000 lượt người theo dõi).
Những video bị gỡ gồm: "Tôi đang quay lại Sài Gòn để cố gắng đưa lư hương trở lại vị trí ban đầu" đăng ngày 17/9, "Lệnh triệu Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương về trấn giữ cho TP.HCM" đăng ngày 11-9, "Giải trấn yểm âm phần cho TP.HCM" đăng ngày 10/9, "Tôi đã vào TP.HCM và khai quang âm phần cho thành phố" đăng ngày 9/9, "Diễn biến của COVID tiếp theo" đăng ngày 2-9, "Diễn biến của COVID-19 - Thế nào là phúc đức của một quốc gia" đăng ngày 1/8, "Thực trạng COVID qua con mắt tâm linh" đăng ngày 25/7…
Nhiều video tuyên truyền mê tín dị đoan, "quảng cáo" dịch vụ bói toán vẫn tồn tại trên kênh này.
Hiện nay, chủ tài khoản YouTube có quyền đăng tải các nội dung lên kênh riêng của mình miễn là không vi phạm chính sách sử dụng của Google. Chỉ khi người dùng báo cáo nội dung vi phạm thì YouTube mới xác minh và gỡ bỏ.
Tiến sỹ Lê Khánh Ly, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu cho rằng sự phẫn nộ của dư luận trong những ngày qua phản ánh mức độ nghiêm trọng của những hành động, lời nói mà Thầy Long đã thực hiện.
“Sự xúc phạm đối với Đức Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần đi ngược lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta đồng thời là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa,” tiến sỹ Lê Khánh Ly bức xúc.
Bà cho rằng việc tuyên truyền những nội dung có dấu hiệu mê tín dị đoan trên mạng xã hội có thể gây ra những hệ lụy khôn lường, đặc biệt là khi đối tượng này lôi kéo được nhiều người tin theo.
Hiện nay, nhiều người đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, bày tỏ nguyện vọng sự việc sớm được xử lý, giải quyết thỏa đáng. Tiến sỹ Lê Khánh Ly cho rằng điều này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ những giá văn hóa, di sản văn hóa của dân tộc, mà còn cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của người dân vào các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước.
“Cá nhân tôi cũng đặt ra nhiều câu hỏi về lịch trình di chuyển và việc chấp hành quy định cách ly của đối tượng Lương Gia Long khi mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Bởi vậy, tôi rất chờ đợi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về quyết định xử lý hành vi của đối tượng này, bảo đảm kỷ cương xã hội,” tiến sỹ Lê Khánh Ly chia sẻ./.