Xung đột ở Trung Đông đe dọa triển vọng chứng khoán toàn cầu
Theo các nhà đầu tư, tình hình có thể tồi tệ hơn nếu xung đột leo thang hoặc nền kinh tế bắt đầu suy thoái dưới áp lực tăng lãi suất trong vài tháng tới, hoặc cả hai kịch bản này đều xảy ra.
Xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas, bắt đầu nổ ra vào đầu tháng 10 này, ban đầu làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, khiến các chỉ số chứng khoán sụt giảm, đồng shekel của Israel trượt dốc và giá dầu leo thang.
Thị trường trái phiếu Mỹ, đóng cửa nghỉ lễ vào ngày giao dịch đầu tiên sau khi cuộc xung đột bắt đầu, đã phục hồi vào ngày hôm sau, khi các nhà đầu tư vội vã bảo vệ danh mục đầu tư của họ khỏi rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, kể từ đó, những lo lắng như vậy dường như đã biến mất.
[Lợi nhuận doanh nghiệp tăng nâng đỡ thị trường chứng khoán Âu-Mỹ]
Mặc dù một số nhà đầu tư lo lắng rằng xung đột có thể lan sang các nước sản xuất dầu quan trọng và tiếp tục làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu, giá dầu đã giảm trở lại và vẫn ở dưới mức cao nhất trong tháng Chín đạt được khi việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga đã kiểm soát thị trường.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang dao động quanh mức cao chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ, cho thấy vẫn chưa có sự hồi sinh của làn sóng nhà đầu tư tháo chạy đến các kênh trú ẩn an toàn diễn ra ngắn ngủi sau khi xung đột bắt đầu.
Các nhà đầu tư cho biết Phố Wall đang tập trung vào những gì họ cho là mối đe dọa trước mắt hơn: chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và mùa báo cáo lợi nhuận đang diễn ra.
Yung-Yu Ma, Giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, cho biết: “Chúng ta đang hơi bị quá tải thông tin."
Theo FactSet, khoảng 24% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 78% kết quả đó vượt kỳ vọng.
Báo cáo thu nhập từ các công ty công nghệ lớn như Alphabet, Amazon, Microsoft và Meta Platforms - một trong những động lực lớn nhất tạo nên mức tăng trưởng trong năm nay - sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này.
Một số nhà đầu tư tin rằng mùa báo cáo lợi nhuận này có thể làm sống lại đà tăng của Phố Wall, sau khi tin tức doanh nghiệp trầm lắng trong vài tháng qua đã góp phần làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong nửa đầu năm, rũ bỏ mối quan ngại về sự bất ổn của các ngân hàng địa phương, khủng hoảng trần nợ của Mỹ và lo ngại suy thoái kinh tế.
Các nhà giao dịch quan tâm tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã đẩy giá cổ phiếu ngành công nghệ lên mức cao đáng kinh ngạc, giúp chỉ số S&P 500 gần chạm mức cao kỷ lục mới được ghi nhận trong tháng Bảy.
Tuy nhiên, đà tăng đó đã bị chặn lại bởi dữ liệu kinh tế ít có dấu hiệu hạ nhiệt của Mỹ, dù Fed đã thực hiện 11 lần tăng lãi suất trong 19 tháng qua.
Lạm phát gia tăng cũng làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn sau khi nâng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Những lo ngại đó càng được củng cố chặt chẽ hơn sau khi Fed để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo tại cuộc họp tháng Chín và cho biết họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới.
Hiện tại, thị trường đang có vẻ kém tươi sáng hơn. S&P 500 đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tháng thứ ba liên tiếp. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm.
Các nhà đầu tư cho biết sự sụt giảm đó có thể tiếp tục tồi tệ hơn nếu xung đột leo thang hoặc nền kinh tế bắt đầu suy thoái dưới áp lực tăng lãi suất trong vài tháng tới, hoặc cả hai kịch bản này đều xảy ra.
Phố Wall vẫn chưa hoàn toàn "phớt lờ" những tác động tiềm ẩn đối với thị trường tài chính từ cuộc xung đột Israel-Hamas.
Những tuần gần đây, các nhà giao dịch đã tìm kiếm sự an toàn từ vàng, cổ phiếu tiện ích đến bitcoin để bảo vệ tài sản trước những biến động tiềm ẩn nếu xung đột leo thang.
David Bahnsen, Giám đốc Đầu tư của The Bahnsen Group, cho biết: “Chắc chắn thị trường cổ phiếu có thể giảm 7-10% nếu xảy ra xung đột bất ngờ ở Trung Đông”./.