Xuất khẩu thủy sản quý 1 năm 2024 đạt gần 2 tỷ USD

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam; trong đó xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý 1/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng Ba, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu tôm tháng Ba đạt gần 276 triệu USD, luỹ kế xuất khẩu tôm quý I/2024 đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu cá tra tháng Ba thu về 168 triệu USD, tính chung quý 1 đạt gần 424 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tháng Ba tăng 24,5% đạt hơn 89 triệu USD đưa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ quý 1 đạt hơn 220 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác đạt tăng trưởng cao gần 60% trong quý 1, đạt hơn 47 triệu USD.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, cho biết về thị trường, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam; trong đó xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15%.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng Ba vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt.

Trong số đó, riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 1 tăng 15%; xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13-53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm ngoái. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.

Theo bà Lê Hằng, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR 19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những lần rà soát trước đó.

Cũng trong tháng Ba này, DOC đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng Ba giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%.

Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là năm loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc.

Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý 1 năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc hiện đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.

Trong quý 1, xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tôm, cua sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực; trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%.

Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản, trong quý 1/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25%.

Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba…

Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc - đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.

Ngược lại khu vực thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng tốt, lần lượt tăng 27% ở EU và 15% với Hàn Quốc.

Ngư dân tỉnh Phú Yên vận chuyển cá ngư lên bờ. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Trong quý 1/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp.

Các doanh nghiệp kỳ vọng sau các Hội chợ Thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn đặt hàng sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.

Các chuyên gia cho rằng thị trường xuất khẩu thuỷ sản chưa hẳn vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc…

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn.

Trước bối cảnh tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường./.