Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 8 tháng năm 2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản mang về gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 8 tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng 20%, đạt gần 953 triệu USD.
Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản mang về gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc duy trì tăng trưởng tích cực trong những tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đang kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm và về đích ở mức 9,5 tỷ USD.
Trong tháng 8, tất cả các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều có tăng trưởng 2-3 con số. Cụ thể, xuất khẩu tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13% và các loại cá biển khác tăng 12%.
Xuất khẩu tôm tính đến hết tháng 8 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 8%; xuất khẩu tôm sú đạt gần 290 triệu USD, vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ.
Riêng tôm hùm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong tháng 8, luỹ kế xuất khẩu 8 tháng cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, cho biết xuất khẩu tôm đang có chiều hướng tích cực, mức tăng trưởng trong những tháng gần đây đều ổn định.
Triển lãm thủy sản Vietfish tháng 8 vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều nhà mua hàng quốc tế là tín hiệu tốt hơn cho xuất khẩu thủy sản thời gian tới.
Thêm vào đó, dự báo sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 giảm sẽ tác động tới việc tăng giá tôm. Dự đoán sản lượng tôm từ Trung Quốc, Ecuador và Ấn Độ đều sẽ giảm trong năm nay, khiến sản lượng tôm toàn cầu giảm khoảng 260.000 tấn (giảm 5%) xuống còn 4,89 triệu tấn.
Trong khi đó, mức tiêu thụ tôm bắt đầu tăng ở châu Âu, thị trường Mỹ cũng đã hồi phục nhẹ.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Anh Khoa Seafoods), chuyên sản xuất các sản phẩm tôm xuất khẩu, thông tin, đơn hàng trong những tháng cuối năm nay đang khả quan hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước với mức tăng từ 10-15%.
Thời điểm này, doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị nguyên liệu và tăng ca sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác phục vụ mùa lễ hội cuối năm.Xuất khẩu cá tra 8 tháng đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn trì trệ, giảm 3% so với cùng kỳ, thì sự hồi phục của thị trường Mỹ với mức tăng 23% là đòn bẩy cho tăng trưởng.
Mỹ vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loài cá thịt trắng theo các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp nước này.
Tại Triển lãm Vietfish 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết xuất khẩu sản phẩm cá tra của công ty sang các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ và EU đều đang tăng trưởng rất tốt.
Thị trường Trung Quốc tăng ấn tượng nhất, đạt 259%, thị trường Mỹ tăng 59% và EU tăng 33% so với đầu năm 2023.
Để khai thác hiệu quả tất cả phân khúc thị trường, bên cạnh những sản phẩm truyền thống như phile đông lạnh, Vĩnh Hoàn cũng tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao hơn.
Ở nhóm hải sản khai thác, xuất khẩu cá ngừ tính tới cuối tháng 8 thu về 652 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp nhận định xu hướng chung thị trường vẫn có nhu cầu đối với sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam, nhưng những tháng tới xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng tốt như từ đầu năm tới nay vì thiếu nguyên liệu.
Với quy định kích thước tối thiểu để khai thác cho cá ngừ vằn là 0,5m, doanh nghiệp gần như không thể mua được nguyên liệu trong nước để xuất khẩu cá ngừ hộp, cũng như sản phẩm khác xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc bị tác động rõ rệt nhất bởi thẻ vàng IUU, vấn đề làm xác nhận, chứng nhận khai thác cho sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp không có nguyên liệu đảm bảo đủ giấy tờ xuất khẩu.
Do vậy, tính tới cuối tháng 8, xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 402 triệu USD.
Phân tích của Vasep cho thấy cơ hội xuất khẩu của thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm nay là rất lớn khi đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, cước vận tải cũng đã có xu hướng giảm hơn so với thời điểm đầu năm 2024, sẽ tác động giảm chi phí, doanh nghiệp phần nào yên tâm tập trung cho đơn hàng cuối năm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng trong những tháng tới như thẻ vàng IUU với hải sản khai thác; thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá với tôm.
Do đó, doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh thực tế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống./.