Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD

Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh để xuất khẩu sẽ phải đảm được đăng ký mã số doanh nghiệp theo các quy định tại Lệnh 248 với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Sầu riêng Đắk Lắk được dán tem, sẵn sàng xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Mặc dù Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vừa được ký kết vào ngày 19/8 nhưng dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngay trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hôm nay 19/9.

Cơ hội nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng

Sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết nghị định được ký kết có ý nghĩa rất lớn đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam, hứa hẹn đột phá kim ngạch xuất khẩu trái cây này trong thời gian tới. Phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào Trung Quốc là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài. Sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết thêm mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và con số này dự kiến cũng sẽ tăng.

Đánh giá về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Hiếu cho rằng sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.

Thách thức với sầu riêng cấp đông

Mặc dù cũng nhấn mạnh có nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu nhưng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, sầu riêng cấp đông Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải được nhận diện đầy đủ để ứng phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Trong thời gian tới, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các điểm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) phải có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, nhiệt độ đông lạnh sầu riêng phải ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC / RCP 8-1976).

Sầu riêng đông lạnh sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải đảm được đăng ký mã số doanh nghiệp theo Lệnh 248 với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để đáp ứng các tiêu chuẩn thì doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Việc nâng cao công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển đặc biệt là các thiết bị, kho cấp đông.

Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại cùng vệ sinh an toàn thực phẩm hại một cách khoa học, hiệu quả.

Là địa bàn có diện tích trồng sầu riêng lớn, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật sẽ có buổi tập huấn cho địa phương trong thời gian sớm nhất để địa phương có thể phổ biến các quy định cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết trong thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có các lớp tập huấn hướng dẫn cho địa phương. Tuy nhiên, địa phương cũng cần phải tìm hiểu để nắm rõ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là các tiêu chí về an toàn thực phẩm theo Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc./.