Xuất khẩu nông lâm thủy sản ngày càng bắt nhịp được với thị trường thế giới

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu để từ đó tổ chức sản xuất cho phù hợp.

Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể sẽ lập lỷ lục đạt 9 triệu tấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão lũ… nhưng ngành nông nghiệp đã “về đích” mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt 55-56 triệu USD trước một tháng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả nổi bật của xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng năm 2024.

- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng của ngành nông nghiệp?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu nông lâm thủy sản là điểm sáng của ngành nông nghiệp với cột mốc rất quan trọng là tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023 và thặng dư thương mại đạt 16,46 tỷ USD, tăng tới 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến nếu tháng 12/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì đạt 5 tỷ USD thì xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt trên 61 tỷ USD.

Nguồn thu cũng như thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp được đánh giá là rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp thường chiếm 65-72% toàn nền kinh tế và Thủ tướng đã khẳng định đây là nguồn thu thật. Hiện nay, những lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đang khơi thông và đây sẽ là nền tảng để về đích các mục tiêu của năm 2025 với quy mô tỷ suất hàng hóa lớn hơn đối với nông sản Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2024, nhóm lâm sản đang dẫn đầu về thặng dư thương mại với mức thặng dư ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%; nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần.

- Một trong những điểm sáng nổi bật là xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ lập kỷ lục mới về khối lượng và giá trị xuất khẩu, Thứ trưởng đánh giá thế nào về thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng đã đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Cứ đà này thì xuất khẩu gạo năm 2024 có thể sẽ lập kỷ lục mới đạt trên 9 triệu tấn vào các thị trường lớn.

Hiện nay, gạo Việt Nam có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao và nếu chúng ta làm thành công chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm phát thải thì vị thế của gạo Việt Nam trên trường quốc tế sẽ còn cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá gạo của chúng ta đã lên tới 623 USD/tấn và gạo chất lượng cao của Việt Nam không bị ảnh hưởng mỗi khi Ấn Độ mở cửa, đây là một trong những lợi thế trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ngoài giá trị về chất lượng, sản xuất gạo của Việt Nam đang đi theo con đường kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nên giá trị gạo sẽ còn tiếp tục được nâng cao trong những năm tới đây.

- Việc duy trì và mở cửa các thị trường xuất khẩu đã và đang được thực hiện như thế nào để đóng góp vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng năm 2024 giá trị xuất khẩu của thị trường Mỹ đạt 12,27 tỷ USD, chiếm 21,7%, thị trường Trung Quốc cũng có sự đột phá khi đạt 12,6 Tỷ USD, chiếm 21,6%. Trước đây giá trị xuất khẩu của thị trường Trung Quốc còn cách rất xa thị trường Mỹ nhưng nhờ chúng ta ký được một loạt các hiệp định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên sản lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên.

Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng những năm tới đây chúng ta sẽ tiếp tục ký kết được các nghị định thư mới để xuất khẩu thêm các sản phẩm động vật, thủy sản thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc còn tăng rất lớn.

Ngoài ra, chúng ta đã tiếp tục duy trì được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản chiếm trên 6%, thị trường Philippines, thị trường Hàn Quốc là xấp xỉ 4%.

Đặc biệt, một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal là thuốc thú y, vaccine, thịt gà chế biến cũng đang có những bước đầu hội nhập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo một số doanh nghiệp lớn như De Heus-Hùng Nhơn… tập trung cho thị trường Halal và doanh nghiệp đang có bước chuẩn bị rất tích cực.

Thịt gà, thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ vào sâu không chỉ thị trường Nhật Bản, thị trường Á Âu mà cả thị trường Halal. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Doanh nghiệp của các nước thị trường Halal cũng đã sang rà soát lại quy trình sản xuất, khâu chế biến, chuỗi an toàn thực phẩm, các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp Việt Nam. Không xa nữa thì thịt gà, thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ vào sâu không chỉ thị trường Nhật Bản, thị trường Á Âu mà cả thị trường Halal. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như nông sản và một số sản phẩm từ thủy sản cũng sẽ vào thị trường Halal.

Khó khăn đối với thị trường Halal hiện nay là thị trường này đòi hỏi các tiêu chí rất chặt chẽ và kỹ lưỡng đồng thời là các nước không thừa nhận lẫn nhau nên khi mở cửa thị trường của nước nào là phải chắc thị trường đó. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nông sản Việt Nam sẽ vào thị trường Halal với quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn.

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng thích ứng của nông sản Việt Nam với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước đây chúng ta bán ra thị trường những gì ta có nhưng bây giờ đã bán những sản phẩm mà thị trường cần. Chúng ta đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Tổ chức sản xuất là động lực còn thị trường chính là đầu kéo.

Trong hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hơn 40 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng tỏa sáng ở thị trường thế giới. Những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực ngày càng bắt nhịp được với thị trường thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị hơn nữa cần có vùng nguyên liệu gắn chặt với sơ chế, chế biến.

Hiện nay chúng ta còn có những hạn chế về chế biến và chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ. Hạ tầng nông nghiệp đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến chúng ta phải chuẩn bị các biện pháp ứng phó chắc chắn.

Trong tất cả các ngành lĩnh vực thì nông nghiệp vẫn là ngành, lĩnh vực còn hạn chế về đầu tư nhưng nhờ sáng tạo, đam mê, quyết liệt trong tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế thì chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ còn bước ra thị trường thế giới ở quy mô lớn hơn và giá trị cao hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!