Xuất khẩu hồ tiêu tháng 10 giảm về lượng nhưng tăng giá trị đến 48%

Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Nông dân Đắk Lắk vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Theo thống kê bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng năm 2024 giảm 1,9% về lượng nhưng giá trị tăng đến 48% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, tháng 10/2024 Việt Nam xuất khẩu được 18.493 tấn hồ tiêu các loại, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 120,2 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tiêu đen đạt 99,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 20,4 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 10 đạt 6.284 USD/tấn giảm 28 USD và tiêu trắng đạt 8.029 USD/tấn tăng 191 USD.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Tiêu đen 881,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 1,9% (tiêu đen giảm 3,3%, tiêu trắng tăng 10,8%), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 48%.

Nguyên nhân là do giá tiêu xuất khẩu trong năm 2024 đạt mức cao hơn nhiều so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD và tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 10 tháng, đạt 62.553 tấn, chiếm 28,5% tổng sản lượng xuất khẩu, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là các thị trường Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Đức, Ấn Độ và Hà Lan.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam, tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm đến 84%.

Bên cạnh nguyên liệu trồng trong nước, Việt Nam cũng nhập khẩu tiêu từ các quốc gia khác phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Trong tháng 10, lượng tiêu nhập khẩu tăng vọt hơn 98% so với tháng trước. Cụ thể Việt Nam nhập 4.818 tấn tiêu các loại trị giá hơn 29,3 triệu USD, chủ yếu từ Indonesia và Brazil.

Tính chung 10 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 28.596 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng nhập khẩu tăng 27,1%, kim ngạch tăng 78,5%. Indonesia trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam với sản lượng đạt 10.287 tấn, tăng 257% so với cùng kỳ, chiếm 36% sản lượng nhập khẩu.

Nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil đạt 9.013 tấn, giảm 35,5% và nhập từ Campuchia 6.695 tấn, tăng 96,7% so với cùng kỳ 2023.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cho biết tồn kho hồ tiêu Việt Nam hiện còn rất ít, còn vụ thu hoạch 2025 dự kiến trễ hơn thường lệ 1-2 tháng và sản lượng giảm do ảnh hưởng hạn hán.

Trong khi đó, Indonesia vừa kết thúc vụ thu hoạch năm 2024, sản lượng còn dồi dào và giá liên tục hạ nhiệt nên doanh nghiệp tranh thủ mua vào.

Ngoài Indonesia, Việt Nam cũng ưu tiên nhập khẩu từ các nước lân cận như Cambodia thay vì các nguồn ở xa như Brazil để tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Với mặt hàng quế, tính đến hết tháng 10, Việt Nam xuất khẩu được 79.516 tấn, kim ngạch đạt 220,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 6,4%, giá trị xuất khẩu tương đương cả năm 2023.

Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam. Việt Nam cũng đã nhập khẩu 3.713 tấn quế, kim ngạch đạt 9 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu giảm hơn 73%./.