Xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp mang về cho Tiền Giang 5 triệu USD

Hằng năm, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh Tiền Giang thu về khoảng 5 triệu USD từ xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Mô hình đan nón bàng tại xã Mỹ Tịnh An. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh, hiện nay, Tiền Giang đã thành lập được 14 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp với gần 2.000 thành viên và giải quyết việc làm cho gần 5.300 lao động ngành nghề nông thôn.

Mạng lưới các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đan lát lục bình, thảm cói và các mặt hàng thủ công có giá trị xuất khẩu cao.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh cho biết hằng năm, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh thu về khoảng 5 triệu USD từ xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

[Tiền Giang: Thu ngân sách nhà nước trong quý 1 tăng 3,3%]

Còn theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Ging, trong quý 1/2023, toàn tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu 854 triệu USD, đạt gần 22% chỉ tiêu cả năm; trong đó, riêng các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đóng góp kim ngạch khoảng 1,6 triệu USD cho việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong quý 1/2023 các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đạt doanh thu trên 105,6 tỷ đồng, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Qua hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mình, các hợp tác xã đã góp phần khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống đặc sắc của địa phương như ngành đan bàng buông truyền thống ở vùng Đồng Tháp Mười (các huyện Chậu Thành và Tận Phước).

Đồng thời, tỉnh tích cực tiếp cận nhu cầu thị trường xuất khẩu để khai thác, đa dạng hóa nguồn hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã và tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có giá trị, được ưa chuộng trên thị trường ngoài nước.

Từ đó, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở các địa bàn nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững; tạo tiền đề để các địa phương trong tỉnh hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra.

Ngay từ đầu năm 2023, tranh thủ các điều kiện thuận lợi khi tỉnh đẩy nhanh quá trình khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19, tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sản phẩm chủ lực.

Để đạt hiệu quả, các đơn vị đã tháo gỡ khó khăn trong sản xuất-kinh doanh, coi trọng việc đầu tư máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, quan tâm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của đối tác khách hàng, chiếm lĩnh thị trường...

Đi đầu có Hợp tác xã Chiến Thắng, Hợp tác xã Bình Minh, Hợp tác xã Nhất Trí, Hợp tác xã Quang Minh...

Các đơn vị đều huy động nhân lực tập trung sản xuất đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng xuất khẩu đã ký kết với các đối tác, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ngành nghề trong hợp tác xã.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Quang Minh (thành phố Mỹ Tho) Cao Dũng Khanh, hợp tác xã chuyên sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng, được khách hàng ưa chuộng như kệ, khay, rổ, rương, chậu, thùng đựng quần áo, vật dụng gia đình khác đan bằng lục bình, bẹ chuối, dây nhựa...

Sản phẩm nhiều năm nay xuất khẩu sang hai thị trường chính là châu Âu (chiếm 60%) và Hoa Kỳ (chiếm 40%).

Hằng năm, Hợp tác xã Quang Minh thu về 3 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Trong năm 2023, Hợp tác xã Quang Minh tiếp tục duy trì tiến độ sản xuất. Chỉ tính trong quý 1/2023, doanh thu của Hợp tác xã đạt gần 40 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần thu hút 250 lao động trực tiếp tại nhà xưởng, đơn vị và khoảng 3.000 lao động vệ tinh tại các hộ gia đình.

Thu nhập bình quân người lao động trực tiếp đạt 5 triệu đồng/người/tháng và lao động tại hộ gia đình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng./.

Minh Trí (TTXVN/Vietnam+)