Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang gặp khó khăn do lạm phát cao
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp FDI; xuất khẩu sang các khu vực, thị trường cũng đều sụt giảm.
Xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam đang gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua giảm là nguyên nhân dẫn tới nhiều ngành hàng chủ lực sụt giảm đơn hàng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang ráo riết cùng doanh nghiệp gỡ điểm nghẽn với tâm thế chủ động với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù đã đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022 nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận nhiều khó khăn.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); xuất khẩu sang các khu vực, thị trường cũng đều sụt giảm; trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu. Về nhóm hàng xuất khẩu lại giảm mạnh ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, nhất là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.
Theo ông Phan Văn Chinh, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.
Một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ thông thường thời điểm này doanh nghiệp đã có thông tin đơn hàng của quý 3. Thế nhưng, năm nay, khách hàng tại thị trường xuất khẩu đều có câu trả lời chưa có thông tin và đợi xem xét lượng tồn kho mới có thể tính tiếp.
Hiện tại, doanh nghiệp đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong quý 1, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý 2, quý 3 được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết quý 1, hầu hết doanh nghiệp đều bị giảm đơn hàng từ 30-40%. Nguyên nhân là do lạm phát tại những thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam tăng cao khiến người dân tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu.
Mặt khác, chi phí năng lượng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng cộng hưởng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng nhận đơn hàng khó, giá rẻ chỉ từ 1.000-3.000 sản phẩm mỗi mã.
Trước tình trạng đơn hàng sụt giảm chỉ còn 30%, có thị trường gần như đóng băng, xuất ăn đong từng container, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tại nhà máy, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư hệ thống sản xuất, kinh doanh.
[Quyết liệt gỡ khó, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu lâm-thủy sản]
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ có khoảng 38% đến 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng.
Do đó, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể bởi không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất-kinh doanh.
Thị trường giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc. Chẳng hạn như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ… Ngoài ra, cần có trần lãi suất huy động để làm sao lãi suất cho vay khoảng 5-6%/năm, biên độ từ 2-3% thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận.
Năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 393-394 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2023 mới hoàn thành 20% chỉ tiêu, nghĩa là áp lực cho những quý tiếp theo chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023. Rủi ro suy thoái toàn cầu rõ ràng có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế.
Nhằm thực hiện hiệu quả Công điện số 238 ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chủ trì và chỉ đạo các hội nghị quan trọng hướng tới mục đích tìm được các giải pháp khai mở thị trường; vừa là để giữ vững các mục tiêu xuất khẩu, đã được đề ra cho năm 2023, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước.
Theo kế hoạch năm 2023 phải có mức tăng từ 6% trở lên và kim ngạch đạt gần 800 tỷ USD. Tuy vậy quý 1/2023 chúng ta chỉ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 156 tỷ USD và nếu không có đột phá ở những quý tiếp theo thì dự báo cả năm chỉ trong ngưỡng trên dưới 600 tỷ USD.
Dự báo thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tình hình chính trị và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định; tổng cầu thế giới sẽ còn giảm và cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giữa các nước còn khó hơn; sẽ còn nhiều các rào cản kỹ thuật làm giảm động lực, giảm khả năng xuất khẩu.
Đối với trong nước, tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân…Đi liền đó là sự trì trệ, chậm đổi mới về công nghệ, quản trị, chậm đổi mới về phương thức sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn kìm hãm phát triển và khó để khai thác được các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Bởi vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng yêu cầu doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế chính sách để khai thác thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của FTA.
Cùng đó, tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu; chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong vụ việc có tranh chấp giữa doanh nghiệp với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Công thương địa phương… theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương tổ chức các cuộc làm việc với ngành, địa phương để trao đổi, thảo luận, tìm cách tháo gỡ.
Đối với việc hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… cần làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng qua việc tổ chức giao ban định kỳ giữa thương vụ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện địa phương.
Ngoài ra, cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới; chú trọng hướng dẫn hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới giàu tiềm năng…
Đối với các bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước, cần có những giải pháp chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cần xem xét vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ việc giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển./.