Xuất khẩu càphê lần đầu có thể vượt 5 tỷ USD

Việt Nam hiện là nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới với khoảng 97% sản lượng là càphê Robusta, phần còn lại bao gồm càphê Arabica và các giống đặc sản khác.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việt Nam hiện là nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới với khoảng 97% sản lượng là càphê Robusta, phần còn lại bao gồm càphê Arabica và các giống đặc sản khác.

Mặc dù lượng tiêu thụ càphê trong nước đang tăng, nhưng xuất khẩu vẫn là nguồn thu nhập chính cho ngành sản xuất càphê Việt Nam. Năm 2024, giá càphê có mức tăng trung bình trên 50% đã giúp kim ngạch xuất khẩu càphê Việt Nam lần đầu tiên có thể vượt mốc 5 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, đánh giá: Năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng càphê và lần đầu tiên, giá càphê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá càphê Robusta xuất khẩu cao hơn giá càphê Arabica và đây là điều chưa từng xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu càphê của Việt Nam tăng liên tục. Tháng 1, giá càphê xuất khẩu chỉ trên 3.000 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn.

Như vậy, chỉ trong 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng trên 90%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá càphê xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ đó, xuất khẩu càphê 11 tháng năm 2024 đạt gần 1,2 triệu tấn với kim ngạch 4,84 tỷ USD; tuy giảm 15,4% về khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu càphê tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó, tăng mạnh nhất ở hai thị trường Malaysia và Philippines đều tăng gấp trên 2 lần.

Việt Nam vừa bước vào niên vụ càphê 2024-2025, nhưng nhìn lại vụ niên vụ cà phê 2023-2024, xuất khẩu càphê Việt Nam cũng đã đạt dấu mốc mới. Mặc dù sản lượng càphê xuất khẩu giảm trên 12% với 1,46 triệu tấn càphê, song kim ngạch lại tăng tới trên 33%, đạt mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ càphê cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên xuất khẩu càphê trong một niên vụ càphê vượt mốc 5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Càphê-Caocao Việt Nam, vụ thu hoạch càphê mới đã bắt đầu từ tháng 11, sản lượng càphê của Việt Nam niên vụ này dự kiến đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Trong niên vụ này, tiêu thụ càphê nội địa của Việt Nam dự báo đạt từ 270.000-300.000 tấn. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa kết hợp với sản lượng sản xuất thấp có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung nguyên liệu cho xuất khẩu.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, hiện Brazil đã kết thúc vụ thu hoạch càphê, người trồng càphê ở nước này hiện đang hạn chế bán ra và chờ xem sản lượng càphê vụ tới sẽ như thế nào sau khi ra hoa. Do đó, với vị thế thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê, thị trường càphê từ nay đến hết quý I/2025 phụ thuộc vào các nước trồng càphê ở Bán cầu Bắc, đặc biệt là Việt Nam.

Cũng bởi vậy dù đang vào vụ thu hoạch, nhưng càphê trong nước vẫn có xu hướng tăng giá. Nông dân Tây Nguyên năm nay lại không vội bán ra do tình hình tài chính ổn định nhờ doanh thu tốt từ các loại nông sản khác được giá như: sầu riêng, hồ tiêu...

Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam nhận định xuất khẩu càphê của Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi nhờ nguồn cung tăng do vào vụ thu hoạch niên vụ mới 2024-2025 và giá xuất khẩu vẫn cao. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu càphê cả năm sẽ lập kỷ lục với mốc 5,5 tỷ USD.

Tuy giá càphê xuất khẩu ở mức cao, có thời điểm giao dịch lên gần 5.000 USD/tấn, nhưng ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột, cho rằng giá Robusta Việt Nam đang ở mức quá cao, khiến các nhà nhập khẩu thận trọng.

Trong thời gian ngắn, họ vẫn cần Robusta Việt Nam, bởi người tiêu dùng đã quen thuộc với hương vị. Nhưng nếu giá cao kéo dài, các nhà nhập khẩu có thể thay đổi và sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Mức giá càphê trong nước khoảng 100.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích các bên và giúp càphê Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Đỗ Hà Nam bày tỏ không nên kỳ vọng giá nông sản lên quá cao. Bởi, khi giá vượt quá sức tiêu dùng chung của thế giới, họ sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng. Xu hướng giá cả nên đi theo hướng ổn định. Đây là lúc nên đi theo hướng giá ổn định và điều này cũng có lợi cho người trồng, cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng như phù hợp với nhu cầu chung tiêu dùng.

“Các khách hàng phàn nàn giá càphê Việt Nam đang ở mức quá cao. Cũng chính bởi vậy, các nhà mua, nhà rang xay lại thận trọng hơn trong đặt hàng. Mọi năm, thời điểm vào vụ, số lượng đơn hàng thường rất cao, nhưng năm nay lại ngược lại. Nhà mua cũng mua ngắn, có nhu cầu mới mua thay vì mua hợp đồng dài hạn như trước đây,” ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Mới đây, Nghị viện châu Âu (EC) đã thông qua đề xuất hoãn thực thi Quy định về chống phá rừng (EUDR) trong 12 tháng. Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn phải tuân thủ EUDR từ ngày 30/12/2025, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có hạn cuối vào ngày 30/6/2026.

Càphê Việt Nam là đối tượng sẽ chịu tác động mạnh bởi quy định trên. Theo các chuyên gia, với việc hoãn thực thi, các quốc gia sản xuất càphê; trong đó có Việt Nam sẽ có thêm thời gian để đáp ứng đầy đủ quy chuẩn mới. Đồng thời, các nước nhập khẩu tại EU cũng không cần ồ ạt nhập khẩu vào cuối năm 2024; cung-cầu càphê trên thị trường thế giới sẽ tạm thời ổn định./.