Xuất khẩu các loại trái cây "bội thu": Thành quả từ khai mở thị trường
Trái cây nhiệt đới Việt Nam đã hiện diện tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu... và ngày càng được ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.
Ngày càng có nhiều trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch ra các thị trường quốc tế. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả sẽ còn tiếp tục tăng nhờ vào việc các sản phẩm, thị trường xuất khẩu đang ngày càng mở rộng.
Xuất khẩu sầu riêng có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả trong 8 tháng năm 2024 của Việt Nam ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu và đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ đó.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng ước đạt trên 1,8 tỷ USD, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo các tiểu thương, năm 2024 giá sầu riêng tăng cao do nhu cầu mạnh từ thị trường Trung Quốc và nhu cầu này còn tiếp tục tăng để phục vụ lễ hội Trung thu sắp tới. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong những tháng cuối năm còn tăng cao.
Đáng chú ý, ngày 19/8 mới đây Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT nhận định mở thêm xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ hỗ trợ qua lại những lúc sầu riêng rộ mùa không tiêu thụ kịp, có thể đưa qua chế biến. Điều này sẽ làm tăng giá trị cho sầu riêng và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nghị định thư này cũng đặt nền móng trong tương lai cho ngành sầu riêng phát triển theo hướng chế biến, phù hợp với xu hướng thế giới và Trung Quốc có thể chuyển sang sầu riêng đông lạnh nhiều để tiết kiệm vận chuyển, tiện lợi hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo xuất khẩu sầu riêng trong những tháng cuối năm 2024 sẽ cao hơn, cả năm có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ đạt 3-3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD.
Thêm các loại quả Việt Nam tiếp cận thị trường lớn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới, trong đó thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... là những loại đang đem lại giá trị cao.
Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12-14 triệu tấn trái cây. Chất lượng cũng như đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng, đánh giá cao.
“Đến nay, các thị trường chính, quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, đặc biệt là những loại có diện tích và sản lượng lớn. Một minh chứng nữa về sự thành công của xuất khẩu trái cây đó là giá trị năm sau cao hơn năm trước, với khối lượng ngày càng lớn. Điều đó cho thấy chất lượng trái cây của chúng ta đã đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của các thị trường lớn,” Thứ trưởng Hoàng Trung nói.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 27/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam.
Sau khi đồng ý về mặt kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cơ quan chức năng trong 60 ngày, sau đó sẽ công bố chính thức chanh leo Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ.
Như vậy, chanh leo sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.
Tại thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang xúc tiến mở rộng thêm các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được tổ chức nhân dịp kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 29-30/9.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng lễ hội sắp tới sẽ mang trái cây Việt tới các đô thị trung tâm của Trung Quốc. Hương vị bốn mùa độc đáo của trái cây Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng rãi tại các trung tâm đô thị lớn của Trung Quốc. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp Bộ Công thương trong công tác tổ chức và tích cực vận động doanh nghiệp tham gia trưng bày tại lễ hội.
Tại hai thị trường hàng đầu của xuất khẩu nông sản Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều đang có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm và các năm tới. Với đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể sẽ vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay./.