Xử lý nghiêm nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn trong giờ trực

Ông Nguyễn Đức H (Ga Phú Diễn, Hà Nội) bị xử phạt 5 triệu đồng, đồng thời Cục Cảnh sát Giao thông cũng có thông báo gửi tới Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có hình thức xem xét, kỷ luật khác.

Tổ công tác đo nồng độ cồn với nhân viên trực tàu. (Ảnh: Cục Cảnh sát Giao thông)

Liên quan đến một nhân viên đường sắt thuộc Ga Phú Diễn (Hà Nội) vừa bị Cục Cảnh sát Giao thông kiểm tra có nồng độ cồn trong giờ trực ban (trực tàu), trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)) cho biết đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật nhân viên này, đồng thời đã có báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về vụ việc trên.

Quan điểm của đơn vị là xử lý nghiêm nhân viên vi phạm vấn đề này.

Trước đó, ngày 11/10, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) thông tin, Tổ công tác thuộc Cục trong quá trình kiểm soát đã phát hiện nhân viên trực ban tàu sắt vi phạm nồng độ cồn.

Hồi 22 giờ 28 ngày 5/10 tại ga Phú Diễn, km 15+050 tuyến Đường sắt Bắc Hồng-Văn Điển (Hà Nội), Tổ Công tác thuộc Đội kiểm tra, kiểm soát Trật tự An toàn Giao thông Đường sắt Số 1, Phòng Hướng dẫn Trật tự Kiểm soát Giao thông Đường bộ, Đường sắt, Cục Cảnh sát Giao thông, sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở kiểm soát đối với nhân viên đường sắt.

Qua kiểm tra, phát hiện Nguyễn Đức H (sinh ngày 11/01/1973; chức danh: Trực ban chạy tàu ga vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Chỉ số nồng độ cồn đo được là 0,290 miligam/1 lít khí thở).

Với vi phạm trên ông Nguyễn Đức H sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng, đồng thời Cục Cảnh sát Giao thông cũng có thông báo gửi tới Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có hình thức xem xét, kỷ luật khác.

Theo ông Nguyễn Tất Thương, theo quy định của pháp luật và của ngành đường sắt, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích khác là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.

Cũng theo ông Nguyễn Tất Thương, do vận chuyển đường sắt là một loại hình giao thông đặc biệt, không có phương tiện di chuyển song song. Tất cả những điểm dừng, tránh đều được bố trí khu vực nhà ga chuyên biệt. Các thiết bị cơ bản hoạt động tự động hoàn toàn, các vị trí công tác chủ yếu làm nhiệm vụ điều khiển thiết bị hệ thống, bao gồm cả lái tàu, kéo chắn, gác ghi… Do đó, nếu nhân viên uống rượu bia có thể sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

[Một tháng xử lý 192 đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn]

Như vậy, chỉ một lỗi vi phạm nhỏ của bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, Chi nhanh Khai thác Đường sắt Hà Nội nói riêng, các đơn vị hoạt động trong ngành đường sắt nói chung đều quán triệt nghiêm túc việc chấp hành không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc tại các vị trí được giao.

Để bảo đảm việc chấp hành không uống rượu bia trong giờ làm việc, Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Nội Nguyễn Tất Thương cho biết đơn vị luôn duy trì kiểm tra chéo đội ngũ nhân viên trong ca trực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Thương cũng thừa nhận ngoài tăng cường quản lý cán bộ, người lao động tại đơn vị thì cũng rất cần việc thường xuyên tuyên truyền người lao động nhận thức được hậu quả của việc uống rượu bia trong quá trình thi hành công vụ.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay đối với các chức danh trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu như ban lái tàu đã được kiểm tra trực tiếp 100% nồng độ cồn bằng thiết bị kiểm tra chuyên dụng. Còn đối với các chức danh khác như trực ban điều độ, nhân viên tại các ga và nhân viên gác chắn đường ngang thì có kiểm tra đột xuất trong việc chấp hành quy định không sử dụng chất có cồn trước và trong quá trình lên ban.

Thời gian tới, để chấn chỉnh các chức danh trong việc tuân thủ quy định về việc không sử dụng chất có cồn, chất kích thích trong quá trình làm nhiệm vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ yêu cầu tăng cường kiểm tra, trang bị thêm các thiết bị đo nồng độ chuyên dụng để có thể thực hiện kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Các đoàn kiểm tra của Tổng Công ty sẽ có kiểm tra đột xuất tại các vị trí làm việc của người lao động trong quá trình lên ban.

Theo các chuyên gia đường sắt, vi phạm về nồng độ cồn của nhân viên đường sắt sẽ gây ra nguy hiểm trực tiếp tới an toàn chạy tàu. Vì thế, cần phải quy định về mức xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi này. Ngoài, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát an toàn giao thông và cơ quan quản lý ngành đường sắt cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, tránh để trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Một lái tàu thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội chia sẻ: “Khi lên ban, chúng tôi không được uống rượu bia và các chất có cồn trước ít nhất là 4 đến 6 tiếng. Dù lực lượng chức năng có tăng cường kiểm tra hay không kiểm tra thì bản thân chúng tôi phải có ý thức và chấp hành tốt các quy định của ngành"./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)