Xử lý nghiêm các vụ việc lấn chiếm rừng, Khu bảo tồn biển tại Phú Quốc

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết trong thời gian tới, Tổ Công tác đặc biệt sẽ từng bước lấy lại đất rừng cho đảo Phú Quốc, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có sai phạm.

Công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 18/8, tại thành phố Phú Quốc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin xử lý các vụ việc lấn chiếm rừng, Khu bảo tồn biển, xử lý rác thải, ô nhiễm sông Dương Đông.

Chủ trì sự kiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Quốc Anh đồng thời là Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của tỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn Phú Quốc.

Tại cuộc họp báo, chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Phú Quốc đã nhìn nhận trách nhiệm để xảy ra tình hình vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển, đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn quản lý; khẳng định không buông lỏng quản lý nhưng do các vụ việc xảy ra nhanh, trong khi cơ quan quản lý thực hiện xử lý theo quy trình nên còn chậm, dẫn đến vụ việc kéo dài.

Thời gian qua, đã có 21 cán bộ huyện, xã, phường bị kiểm điểm từ khiển trách, cảnh cáo, thậm chí có người bị khởi tố hình sự do để ra tình trạng này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho rằng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thành phố đều quan tâm đến tình trạng bao chiếm, lấn đất rừng trên địa bàn Phú Quốc. Vì vậy, thời gian tới, Tổ Công tác đặc biệt sẽ từng bước lấy lại đất rừng cho đảo.

Trước mắt, xem xét những cá nhân, tập thể làm sai về công tác bảo vệ rừng và Khu bảo tồn biển để xử lý nghiêm. Đồng thời, Tổ Công tác sẽ tiến hành xử lý buộc dỡ các công trình sai phạm “dưới biển” ở Khu bảo tồn biển ngay trong tháng Chín.

Nếu cá nhân sai phạm không tự tháo dỡ, Tổ sẽ tiến hành cưỡng chế để lập lại an ninh trật tự ở vùng biển.

Tổ Công tác đặc biệt đã kiểm tra, xử lý các hành vi xây dựng công trình trái phép xâm hại trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc tại hai khu vực quần đảo Nam An Thới và ven biển xã Hàm Ninh.

[Buộc tháo dỡ nhiều công trình trái phép trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm]

Cụ thể, khu vực quần đảo Nam An Thới tại Hòn Rỏi có 3 doanh nghiệp neo tàu, trong đó có 2 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ lặn biển thể thao giải trí với tổng diện tích thả phao khoảng 1,2ha trong phân khu Dịch vụ hành chính tại Hòn Mây Rút; trong đó có một doanh nghiệp đã tiến hành nạo vét đá làm bờ kè, xây cầu bê tông xung quanh mũi hòn với diện tích khoảng 880m2 tại các phân khu phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt.

Quang cảnh họp báo. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Chủ doanh nghiệp đã cam kết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu. Các hòn còn lại có 7 cây cầu tàu ra vào đảo do người dân tự phát xây cất để phục vụ nhu cầu của khách tham quan các đảo. Vườn Quốc gia Phú Quốc, Biên phòng đã lập biên bản các vụ việc trên.

Khu vực ven biển xã Hàm Ninh từ năm 2020 đến nay, Ủy ban Nhân dân xã Hàm Ninh đã lập biên bản vi phạm hành chính 8 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất bãi bồi ven biển; tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ba trường hợp xã đang tiến hành xác lập hồ sơ để tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định xử phạt. Xã cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời vật, kiến trúc ra khỏi khu vực vi phạm; nếu không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Tại khu vực Tổ 5, ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, Tổ đã kiểm tra, ghi nhận 3 tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trong phân khu Dịch vụ hành chính của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.

Công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Các công trình vi phạm gồm 3 cây cầu dẫn, một khu quán ăn, một khu bè nuôi cá, một quầy bar và 18 Bungalow trên diện tích 2.054m2. Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tiến hành lập biên bản các trường hợp này trong tháng Sáu và  tháng Bảy /2022.

Về thực trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm, khu vực trên địa bàn thành phố Phú Quốc, trong đó có sông Dương Đông, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc khẩn trương tham mưu thực hiện các giải pháp và dự án ưu tiên thực hiện chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã được tỉnh và địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện đạt những kết quả tích cực, tạm thời giải quyết những bức xúc do ảnh hưởng từ rác thải sinh hoạt tại địa phương.

Hiện, với tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 200 tấn rác/ngày, địa phương đã tổ chức thu gom được khoảng 160 tấn/ngày, đạt khoảng 80%.

Phương thức thu gom rác thải chủ yếu là thu gom bằng xe đẩy tay trên các tuyến đường chính và tuyến hẻm tại một số khu vực trên địa bàn phường Dương Đông và An Thới…

Sau hơn hai tháng hoạt động, Tổ Công tác đặc biệt do ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng đã tiến hành tiêu hủy cây trồng, vật, kiến trúc lấn chiếm đất rừng; trong đó, tiêu hủy tại chỗ 32.130 cây trồng các loại, 6.765m kẽm gai, 1.138 trụ ximăng, 100 trụ gỗ, 661m tường rào bê tông, 30m lưới B40, 107 trụ điện ống kẽm tròn, 2 móng nhà diện tích hơn 101m2, đường đá mi ngang 4m, dài 180m (720 m2); đường bê tông dài 360m; 18 nhà tạm diện tích 844,19m2; 2 căn nhà cấp 4 diện tích hơn 239m2…

Bên cạnh đó, Tổ đã thu hồi diện tích đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật diện tích hơn 139ha; trong đó, diện tích đất Nhà nước quản lý 20,39ha, đất quy hoạch lâm nghiệp 65,36ha, đất rừng phòng hộ gần 12ha, đất rừng đặc dụng gần 42ha.

Đồng thời, lực lượng chức năng điều tra, xử lý vi phạm 11 vụ trọng điểm có dấu hiệu hình sự, tội hủy hoại rừng. Qua đó, đã khởi tố 7 vụ án hình sự với 11 đối tượng về tội hủy hoại rừng; khởi tố 1 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng; đang điều tra củng cố hồ sơ 3 vụ để khởi tố hình sự tội hủy hoại rừng.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm thành phố Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp 165 vụ và buộc khắc phục hậu quả trên diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm là 50,4 ha./.

Lê Sen (TTXVN/Vietnam+)