Xử lý dứt điểm vi phạm, gây dựng lòng tin của công chúng với báo chí
Nhiều ý kiến cho rằng người làm báo phải dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện suy thoái của chính bản thân và đồng nghiệp, bởi chỉ khi “mắt sáng, lòng trong” thì mới có được “bút sắc.”
Trong năm 2023, tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Đó là một trong những vấn đề được nêu bật tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội.
Tiêu cực 'núp bóng' kinh tế báo chí
Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/12/2023, trong lĩnh vực báo chí, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng; trong đó có hai cơ quan báo chí bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí trong thời hạn ba tháng vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiến hành kiểm tra trách nhiệm của cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí trực thuộc và lần đầu tiên tiến hành xử phạt cơ quan chủ quản báo chí (Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ Môi trường, cơ quan chủ quản của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý) với tổng số tiền 335 triệu đồng.
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên, dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết.
“Một hiện tượng phát sinh từ việc lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành ‘xé rào’ đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, mời quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa ‘kinh tế báo chí’,” ông Nguyễn Đức Lợi nêu rõ.
Theo ông Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức nghề nghiệp báo chí; hình thành môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, không thể lấy lý do “kinh tế báo chí” để vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức báo chí.
“Công tác đấu tranh với nhận thức sai lệch cần được triển khai mạnh mẽ để khẳng định rằng báo chí Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng nhưng không bao giờ được cho đó là quyền lực để gây nên những hành vi sai trái. Nếu báo chí là một loại quyền lực thì đó chính là quyền ‘phò chính, trừ tà,” ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định rằng những người làm báo phải có trách nhiệm góp phần xây dựng một nền báo chí lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nhà báo Việt Nam triển khai trong năm 2024.
Cần đảm bảo thu nhập cho phóng viên
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng Biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật khẳng định báo đã có nhiều tuyến bài điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, theo đúng tiêu chí hoạt động của báo là “trung thực, khách quan, nhân văn, bản lĩnh.” Trong năm 2023 và 5 năm trở lại đây, tại Báo Bảo vệ Pháp luật không có hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ.”
“Đây chính là sự tôn trọng bạn đọc, trân trọng công sức của cán bộ, phóng viên, là uy tín, bản lĩnh của lãnh đạo báo,” ông Thắng nêu rõ.
Chia sẻ giải pháp để có những tuyến bài phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ông Thắng cho rằng giải pháp quan trọng nhất là tập thể báo phải đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, có khát vọng đổi mới và cống hiến; người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng tuyên truyền của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.
Ngoài ra, cơ quan báo chí phải có chủ trương triển khai các đề tài chống tham nhũng, tiêu cực; có công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, viên chức, phóng viên. Theo đó, Báo Bảo vệ Pháp luật đã lựa chọn đề tài, giao nhiệm vụ cho phóng viên có bản lĩnh chính trị, có kỹ năng nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức tốt để điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm thu nhập ổn định cho phóng viên, thực hiện cơ chế khen thưởng đúng người, đúng việc.
Cùng quan điểm đó, ông Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị cho rằng cơ quan báo chí cần xây dựng, củng cố lực lượng biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên đủ mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, để tăng cường tuyên truyền đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và bảo vệ lực lượng cầm bút.
Theo ông Trương Đức Minh Tứ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mỗi nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức, nền tảng văn hoá sâu rộng, có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng xử lý và làm chủ công nghệ; am hiểu và khai thác tốt nền tảng mạng xã hội; có thái độ tỉnh táo trước những thông tin, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động để có phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.”
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm.
“Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ./.