Xu hướng tích cực sẽ giúp VN-Index kỳ vọng vượt mốc 1.300 điểm trong năm 2024
Các chuyên gia kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện những tiến triển về nâng hạng thị trường.
Nối tiếp tuần giao dịch “lao đao” trước đó, thị trường có tuần thứ hai vận động theo quán tính giảm điểm. Tuy nhiên, lực cầu đã có sự chủ động và tập trung tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng thanh khoản gia tăng trở lại. Nhờ đó, kết thúc tuần giao dịch VN-Index đã có thêm 20,33 điểm (tăng 1,62%) và lên mốc 1.272,04 điểm.
Theo giới phân tích, tâm điểm là phiên giao dịch cuối tuần gắn với hoạt động cơ cấu danh mục ETF từ các quỹ Fubon FTSE, FTSE Vietnam, VanEck, theo đó khối lượng giao dịch thực hiện rất mạnh. Bên cạnh đó, HNX-Index có sự khởi sắc và đóng cửa thị trường ở mốc 234,3 điểm, sau khi tăng 1,88 điểm, tương ứng 0,81%.
Thanh khoản cải thiện
Về diễn biến thị trường trong tuần, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết thanh khoản trên cả 2 sàn đã cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước đó. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh tăng 26,36% tại sàn HoSE và tăng 11,82% trên sàn HNX song vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái mua ròng trở lại với giá trị 1.221 tỷ đồng ở sàn HoSE. Họ tập trung mua ròng tại mã SSI (666 tỷ đồng), FPT (363 tỷ đồng), TCB (274 tỷ đồng) và NAB (115 tỷ đồng)… Trái lại, họ bán ròng tại các mã HPG (263 tỷ đồng), VIX (213 tỷ đồng), VPB (173 tỷ đồng)... Tương tự, khối ngoại cũng mua ròng bên phía sàn HNX với giá trị 71 tỷ đồng và tập trung tại các mã PVS (54 tỷ đồng), HUT (15 tỷ đồng) và PVI (13 tỷ đồng)...Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nổi bật tại mã NTP (23 tỷ đồng), BVS (7 tỷ đồng), LAS (5 tỷ đồng)...
Theo ông Phan Tấn Nhật, ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tại đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong tháng Chín. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các Tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Với thông tin trên, các nhóm ngành giao dịch tích cực góp phần cho sự tăng điểm của thị trường là chứng Khoán với các mã SSI (4,02%), HCM (4,97%), FTS (1,82%), VND (4,90%), MBS (4,03%), VCI (3,29%), SHS (3,38%)… Kế đến là nhóm ngân hàng, tiêu biểu là các mã VCB (0,78%), BID (1,76%), TCB (6,08%), CTG (3,15%), ACB (5,12%), MBB (3,56%), VPB (2,71%)… Nhóm cao su giao dịch khởi sắc với các mã GVR (2,89%), PHR (1,21%), DPR (2,82%)… Nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư cũng đã lấy lại sắc xanh với các mã CEO (2,61%), PDR (3,26%), DIG (3,41%), HDG (2,25%), VHM (1,74%)...
Xu hướng cải thiện
Theo phân tích kỹ thuật, ông Phan Tấn Nhật cho hay tuần trước đó, giao dịch chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm với thanh khoản dưới mức trung bình, điều này thể hiện áp lực bán tương đối thấp. Sang đến tuần này, VN-Index đã khởi sắc dưới những tin tức hỗ trợ, như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu lộ trình giảm lãi suất. Trên thị trường, VN-Index tăng 1,62% so với tuần trước đó và lên mức 1.272 điểm, chính thức vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023 (tương ứng 1.255 điểm). Tuy nhiên, VN-Index đang chịu áp lực mạnh ở khu vực kháng cự 1.290-1.300 điểm, đây là đỉnh giá trong nhiều tháng qua.
“Ngắn hạn, VN-Index kỳ vọng đã kiểm định tốt vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng. Xu hướng VN-Index đang được cải thiện và khả năng sẽ tăng trưởng với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.270 điểm (giá trung bình 20 phiên) với kỳ vọng sẽ tiếp tục kiểm tra lại vùng giá 1.280-1.300 điểm, tương ứng đường xu hướng nối các vùng giá cao nhất các tháng 6-8/2024. Ngoài ra, những diễn biến hiện tại cho thấy lực cầu và dòng tiền ngắn hạn cải thiện tốt, thị trường mở ra nhiều cơ hội ngắn hạn khi rung lắc điều chỉnh, nhất là đối với các mã chưa phục hồi nhiều và có vùng giá tương đương VN-Index ở thời điểm quanh 1.250 điểm,” ông Nhật chia sẻ.
Xu hướng trung hạn, ông Phan Tấn Nhật cho rằng VN-Index có thể sẽ tích lũy tích cực trong vùng 1.250-1.300 điểm và mở rộng lên 1.320 điểm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý, thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng đỉnh, kháng cự mạnh khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đặc biệt là phụ thuộc khá lớn vào các mã vốn hóa lớn, ngân hàng.
Về phân tích cơ bản, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh đến góc nhìn về động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của FED. Theo ông Hinh, điều này sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái được thị trường chờ đợi từ lâu với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là sự khởi đầu mạnh tay của FED và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát ngày 18/9 (cuộc họp diễn ra).
“Việc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành giống như ‘một sự can thiệp trước’ của FED hơn là ‘một hành động chữa cháy’ khi mọi thứ đã quá muộn màng. Cùng với động thái hạ lãi suất, FED cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quán, như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (thước đo lạm phát được ưa chuộng) về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025. Về tỷ lệ thất nghiệp, FED dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay, từ dự báo trước đó là 4,0% và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, FED dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của FED cũng củng cố cho kịch bản ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Mỹ,” ông Hinh chia sẻ.
Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của FED sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất này sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
“Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 30% tổng giá trị). Việc FED giảm lãi suất sẽ giúp áp lực tỷ giá và lạm phát trong nước hạ nhiệt, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với những kỳ vọng trên, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong trung hạn từ nay tới cuối năm,” ông Hinh phân tích.
Trên cơ sở đó, ông Đinh Quang Hinh đánh giá cao kịch bản VN-Index sẽ vượt mốc 1.300 điểm trong năm, nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện. Thêm vào đó là tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường. Do vậy, những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có “câu chuyện” tăng trưởng tích cực cuối năm./.