Xu hướng ôtô điện chưa gây rủi ro với hoạt động kinh doanh của Petrolimex

Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết xu hướng ôtô điện chưa gây rủi ro với hoạt động kinh doanh của Petrolimex và hiện Công ty đã có chiến lược thích ứng các xu hướng chuyển đổi xanh này.

Mua, bán xăng tại cửa hàng kinh doanh xăng, dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)

Sáng 26/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Tại Đại hội, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết mặc dù xu hướng phát triển ôtô điện đang diễn ra mạnh mẽ nhưng tại thời điểm này chưa gây rủi ro với hoạt động kinh doanh nhiên liệu của Petrolimex.

Hiện Petrolimex đã có các phương án và chiến lược thích ứng với các xu hướng chuyển đổi xanh này để hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho biết năm 2023, Petrolimex hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn. Giá xăng dầu thế giới năm 2023 tăng nhanh, giảm nhanh với diễn biến khó đoán định, đặc biệt trong những tháng cuối năm giá xăng dầu thế giới liên tục biến động theo xu hướng giảm.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp xin giải thể, đóng cửa.

Các cơ quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép và xử lý các vi phạm, giúp cho thị trường xăng dầu lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, cùng với đó sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là kênh bán hàng qua trung gian, trong khi tình trạng vi phạm thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tạo ra thách thức, cơ hội đan xen cho Petrolimex.

Tuy nhiên, với việc chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, Petrolimex vẫn đáp ứng nhu cầu xăng dầu của thị trường, góp phần bình ổn giá và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Petrolimex giảm hơn 30.000 tỷ đồng so với thực hiện của năm 2022 nhưng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 vẫn đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 1.677 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022.

Lý giải về kết quả này, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Lưu Văn Tuyển cho biết doanh thu sản xuất kinh doanh năm 2023 của Petrolimex giảm so với thực hiện năm 2022 chủ yếu do giá dầu thô bình quân cả năm 2023 chỉ bằng 83% giá dầu thô bình quân cả năm 2022.

Giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ của Petrolimex năm 2023 là gần 259.000 tỷ đồng trong khi con số này năm 2022 là gần 292.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất năm 2023 vẫn tăng so với năm 2022 nhờ việc thoái vốn của Petrolimex khỏi Ngân hàng Thương mại Xăng Dầu (PGB) mang lại lợi nhuận gần 700 tỷ đồng.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Petrolimex, trong đó các nội dung chủ yếu tập trung vào việc phát hành hoá đơn điện tử từng lần bán hàng, việc tăng vốn điều lệ, các rủi ro với hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex trước xu hướng phát triển ôtô điện và chuyển đổi xanh.

Trả lời câu hỏi của cổ đông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, mặc dù xu hướng phát triển ôtô điện đang diễn ra mạnh mẽ nhưng trên thực tế, thị phần ôtô điện hiện chỉ chiếm khoảng 1% và ôtô điện chưa thể thay thế các dòng xe vận tải cỡ lớn, xe bồn, máy bay.

Vì vậy, xăng dầu vẫn là nhiên liệu quan trọng cho các phương tiện giao thông hiện nay. Tuy nhiên, trong 5-7 năm tới đây, các xu hướng phát triển ôtô điện và chuyển đổi xanh sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của Petrolimex.

(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Vì vậy, để chuẩn bị cho giai đoạn tới, Petrolimex cũng đã xây dựng chiến lược thích ứng, Chủ tịch Phạm Văn Thanh khẳng định.

Bổ sung ý kiến về việc thích ứng của Petrolimex trước xu thế chuyển đổi xanh, Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho biết từ 2016-2020, Petrolimex đã tiên phong triển khai phát triển nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5 nhằm đáp ứng các yêu cầu về nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường gồm Xăng RON95 không chì, xăng sinh học E5RON92….

Gần đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động COP 26, Petrolimex đăng ký tham gia 6 dự án trong chương trình hành động chung quốc gia để được hưởng các cơ chế hỗ trợ về tài chính và công nghệ.

Petrolimex cũng đang học hỏi các tập đoàn xăng dầu lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để có các kinh nghiệm, xây dựng chương trình hành động phù hợp.

Bên cạnh đó, Petrolimex đang nghiên cứu tham gia các dự án thí điểm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối, xuất nhập khẩu hydrogen, sản xuất các thiết bị chuyên dụng để tồn trữ, phân phối hydrogen; xúc tiến nghiên cứu xây dựng các phòng thí nghiệm đối với các sản phẩm mới như hydrogen, nhiên liệu sinh học, SAF, nhiên liệu tổng hợp.

Ngoài ra, Petrolimex cũng phối hợp với Vinfast triển khai phát triển 300 trụ sạc ổ điện trên hệ thống; triển khai các dự án điện mặt trời áp mái.

Với câu hỏi của cổ đông về việc tăng vốn điều lệ, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết theo đề án tái cơ cấu tập đoàn 2021-2025 đã được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua, vốn điều lệ năm 2025 của Petrolimex dự kiến là 20 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của Petrolimex trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên tại thời điểm này, do những vướng mắc về quy định pháp luật hiện hành như Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội (về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp); Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 (về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp); Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 (về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), Petrolimex chưa thể sử dụng vốn thặng dư cổ để phần phục vụ cho tăng vốn điều lệ.

Hiện Petrolimex đang phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính để gỡ dần các vướng mắc, giúp tập đoàn có thể thực hiện tăng vốn điều lệ theo lộ trình đã được phê duyệt, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết.

Trả lời câu hỏi của cổ đông Lê Thị Mai Liên về tác động của dự thảo Nghị định xăng dầu mới với hoạt động của Petrolimex, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết Bộ Công Thương hiện mới trình dự thảo lần 2 và chỉ khi có Nghị định chính thức được ban hành, Petrolimex mới có đánh giá cụ thể.

Tuy nhiên, với các nội dung của dự thảo Nghị định, Petrolimex cho rằng quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đầu mối.

"Với hai phương án là nhà nước sẽ ban hành giá tối đa để thương nhân căn cứ quyết định giá bán; hai là nhà nước vẫn quản lý về giá. Phương án nào được ban hành thì Petrolimex cũng sẵn sàng tổ chức và thực hiện nghiêm để đảm bảo kinh doanh hiệu quả," ông Trần Ngọc Năm khẳng định

Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Petrolimex trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thời gian qua, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Petrolimex tiếp tục giữ vững vị thế doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong khâu hạ nguồn xăng dầu; nâng cao dự báo về thị trường để có kế hoạch kinh doanh hiệu quả, hướng tới hoàn thành kế hoạch 2021-2025.

Về kế hoạch đầu tư, bên cạnh việc phát triển mạng lưới và duy trì thương hiệu mạnh, Petrolimex cần phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu một số dự án theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ như: Nghiên cứu Dự án đầu tư kho-cảng xăng dầu Lạch Huyền, Nghiên cứu phương án tham gia đầu tư sở hữu và vận hành kho xăng dầu hàng không và hệ thống trữ nạp xuất cấp nhiên liệu hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục cao tốc khu vực, cao tốc nhánh theo đúng định hướng phát triển cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn, các dự án trạm dịch vụ xe tải theo kế hoạch, lộ trình năm 2024 đã được Hội đồng quản trị Tập đoàn thông qua, ông Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Petrolimex cho biết năm 2024, Petrolimex đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức tốt công tác tạo nguồn, bán hàng, bám sát diễn biến thị trường để đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Petrolimex cũng triển khai các nhóm giải pháp, tập trung vào các trụ cột chính gồm nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả công tác quản trị hàng hoá và quản trị doanh nghiệp trên nền tảng triển khai Chiến lược chuyển đổi số.

Đặc biệt, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Petrolimex tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn; trong đó, hoàn thành hạn mức nhập khẩu theo hạn mức phân giao của Bộ Công thương, đàm phán hợp đồng kỳ hạn từ nguồn cung của 2 nhà máy lọc dầu trong nước do đây là 2 nguồn hàng có lợi thế về giá, thời gian logistics ngắn và thanh toán đơn giản.

Petrolimex cũng sẽ đàm phán hợp đồng term nhập khẩu đối với các mặt hàng trong nước không sản xuất được để chủ động trước một phần nguồn hàng. Mở rộng quan hệ với các đối tác nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác tạo nguồn hiệu quả và chủ động hơn.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và giá dầu thế giới để điều hành tồn kho hợp lý, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo nguyên tắc thận trọng; tổ chức hoạt động kinh doanh, bán hàng, bảo đảm đủ nguồn hàng phục nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn.

Với nhóm giải pháp kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh, Petrolimex tập trung đầu tư phát triển hệ thống phân phối bao gồm thương nhân nhượng quyền, thương nhân phân phối, khách hàng bán buôn, mạng lưới cửa hàng xăng dầu bán lẻ để gia tăng sản lượng bán lẻ và hiệu quả kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng sản lượng bán tạm nhập tái xuất; nghiên cứu các quy định, thủ tục xem xét thí điểm triển khai hình thức bán hàng chuyển khẩu nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, trong năm 2024, Petrolimex tiếp tục tập trung chuyển đổi số, toàn diện theo Chiến lược chuyển đổi Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 508/PLX-QĐ- HĐQT ngày 14/8/2023 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn; tiếp tục hoàn thiện và triển khai quyết liệt, triệt để các giải pháp Thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng thử nghiệm thanh toán tự động công nghệ RFID và camera thông minh nhận diện biển số xe, hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex; triển khai quyết liệt các dự án, đề án về tự động hoá tại kho và cửa hàng xăng dầu.

Năm 2024, Petrolimex đặt mục tiêu kinh doanh hơn 13 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 91% thực hiện năm 2023; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.900 tỷ đồng, bằng 74% thực hiện 2023, cổ tức năm 2024 là 10% (năm 2023 là 15%)./.