Xe ôtô nước ngoài muốn tham gia giao thông tại Việt Nam phải theo quy định nào?

Nghị định 151 quy định cụ thể về các điều kiện để xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn và kiểm soát hiệu quả tình hình giao thông.

Người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải đi theo đoàn. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Nghị định quy định rõ điều kiện xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.

Nghị định quy định xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch bao gồm xe ôtô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ôtô nhà ở lưu động; xe môtô hai bánh; xe ôtô của người nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch là xe ôtô chở người.

Điều kiện chung đối với xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài

Theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP, để xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, các phương tiện này cần đáp ứng một số điều kiện chung nhất định, gồm:

- Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.

- Phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận đối với trường hợp xe ôtô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ôtô nhà ở lưu động.

- Xe môtô hai bánh.

- Phải có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam đối với trường hợp xe ôtô của người nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch là xe ôtô chở người.

Điều kiện đối với xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam

Các phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam cũng phải tuân thủ một số quy định quan trọng, bao gồm:

- Có giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực.

- Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực đối với xe ôtô.

Xe cộ tham gia giao thông tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Điều kiện đối với người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam

Nghị định quy định điều kiện đối với người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam gồm:

- Phải có hộ chiếu, thị thực hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp được miễn thị thực và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng; người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử phải nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển, có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và còn hiệu lực.

Một xe mang biển số nước ngoài vi phạm luật tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TXVN phát)

Các giấy tờ phải mang theo khi điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam

Để đảm bảo việc tham gia giao thông được thuận lợi và hợp pháp, người nước ngoài khi điều khiển phương tiện cơ giới tại Việt Nam phải mang theo một số giấy tờ quan trọng, bao gồm:

- Giấy tờ cá nhân: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cư trú tại Việt Nam.

- Giấy phép lái xe: Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và còn hiệu lực tại Việt Nam.

- Giấy chứng nhận kiểm định: Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với ô tô).

- Giấy đăng ký xe: Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực.

- Bảo hiểm: Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam.

- Tờ khai hải quan: Tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất.

Nghị định cũng quy định rõ người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải đi theo đoàn và có người điều khiển phương tiện đi phía trước để hướng dẫn trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam.

Phương tiện được sử dụng để hướng dẫn là xe ôtô hoặc môtô phù hợp với phương tiện được sử dụng trong đoàn; được tham gia giao thông trên các tuyến đường, đoạn đường và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam tại văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền./.