Xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc TW

Thừa Thiên-Huế xác định mục tiêu trọng tâm là đến năm 2025, xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc TW trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng đối với Thừa Thiên-Huế trong xác định tầm nhìn, định hướng phát triển, cũng như phát huy những thế mạnh riêng có để đóng góp vào sự phát triển chung của vùng.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương về việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW tại địa phương.

- Xin ông cho biết vai trò và ý nghĩa của Nghị quyết số 26-NQ/TW đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế trong giai đoạn phát triển hiện nay?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương: Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tất cả các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, có tầm quan trọng đặc biệt đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nghị quyết tiếp tục khẳng định xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thể hiện quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Bộ Chính trị đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Du khách quốc tế tham quan khu vực Đại Nội Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã ban hành Chương trình Hành động số 41-CTr/TU ngày 5/6/2023 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; ngày 1/8/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch Hành động số 272/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy nhằm tập trung cụ thể hóa mục tiêu, tầm nhìn, các nội dung liên kết vùng, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh xác định mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là đến năm 2025, xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

- Xin ông cho biết những giải pháp chủ yếu của tỉnh Thừa Thiên-Huế để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW trong thời gian tới?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương: Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đưa ra rất nhiều mục tiêu, định hướng lớn về không gian phát triển, phân vai cho các địa phương, định hướng rất rõ về kinh tế biển, về phát triển đô thị ven biển, với định hướng xây dựng đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng, cấp tiểu vùng, trong đó có Thừa Thiên-Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, điều này rất phù hợp với Thừa Thiên-Huế, vùng đất với đặc thù về văn hóa, môi trường, sinh thái cảnh quan, di sản.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế vào năm 2025.

[Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô sẵn sàng đón sóng đầu tư mới]

Hiện tại, địa phương đang đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối liên vùng, trọng tâm ưu tiên là phát triển hệ thống đường ven biển, hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị.

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá, với việc đầu tư hạ tầng cảng biển hiện đại, phát huy lợi thế của Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh, đô thị ven biển…

Hiện nay, chúng ta đã có Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, nhiều quy hoạch chuyên ngành cấp quốc gia và tỉnh cũng đã làm quy hoạch tỉnh và đang trình lên hội đồng thẩm định quốc gia. Những lĩnh vực thế mạnh nổi bật của Thừa Thiên-Huế được xác định bao gồm y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch xem đó như động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Toàn cảnh Cảng Chân Mây nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh hiện có một khu kinh tế ven biển Chân Mây-Lăng Cô và 6 khu công nghiệp, một số cụm công nghiệp, đồng thời có những bước đi cụ thể về phát triển hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng một đô thị mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, có những ngành sản xuất công nghiệp mà tỉnh dè chừng, không kêu gọi, khuyến khích đầu tư là những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn, những ngành sản xuất sử dụng quá nhiều lao động phổ thông.

Với việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn, tỉnh Thừa Thiên-Huế hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn có vai trò dẫn dắt, qua đó thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tại các khu công nghiệp.

- Xin ông cho biết để sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực mang lại hiệu quả thiết thực, cần đảm bảo những yếu tố gì?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương: Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW có sự phân vai về nhu cầu phát triển, với những đặc tính riêng có, trong đó xác định cụ thể những địa phương đầu tàu là cực phát triển cho khu vực.

Theo tôi, để có liên kết vùng rõ ràng hơn cần có những điều kiện và thời gian vận hành, chứ không thể ngay lập tức sự liên kết đó chặt chẽ ngay được. Chẳng hạn, hiện nay, vùng có sự kết nối về hạ tầng bước đầu với trục đường cao tốc xuyên qua, đang từng bước đưa vào vận hành hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, sự kết nối về vận tải đường sắt dường như ngày càng yếu đi so với các kết nối về hạ tầng giao thông khác như đường bộ, đường hàng không, đường biển.

Chúng tôi hy vọng hai đô thị lớn ở gần nhau là Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng sớm có kết nối về một tuyến đường sắt tốc độ cao, rút ngắn thời gian di chuyển, thuận tiện cho người dân và du khách, góp phần thiết thực tạo tiền đề cho quá trình liên kết phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Đồng thời, hệ thống đường giao thông ven biển của vùng cũng cần sớm được đầu tư hoàn chỉnh, thể hiện rõ nét, có như vậy mới mở ra không gian phát triển liên kết hướng biển mạnh mẽ hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Trưởng (TTXVN/Vietnam+)