Xây dựng trung tâm tài chính là “cú huých” để Việt Nam bứt phá

Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một thách thức lớn. Nhưng, đây cũng là cơ hội lịch sử và với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ sẽ tạo ra “cú huých” mới cho nền kinh tế.

“Cơ hội vàng”- đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Quyết tâm này không chỉ là khát vọng vươn lên của một quốc gia mà còn là lời mời gọi hấp dẫn đến cộng đồng tài chính toàn cầu.

Ngày 4/1, Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đã diễn ra và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

Nắm bắt cơ hội trong “cuộc chơi” toàn cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là một “cú huých” và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà cho cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2025 mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, là năm tăng tốc, bứt phá cho Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định hệ thống tài chính toàn cầu đang định hình lại, tạo nhu cầu cho các trung tâm tài chính mới: “Thế giới đang có nhu cầu phát triển các Trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những Trung tâm tài chính truyền thống. Thông qua đó, việc tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển đồng thời cũng bổ trợ và tạo ra lợi ích cộng hưởng, sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.”

Hệ thống tài chính toàn cầu đang định hình lại, tạo nhu cầu cho các trung tâm tài chính mới. (Ảnh: Vietnam+)

Với xu thế trên, vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đây là “cơ hội vàng” cho các trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam tham gia “cuộc chơi” này. Bằng việc thiết lập hành lang pháp lý mở, chính sách ưu đãi vượt trội, Việt Nam có thể trở thành “sân chơi” hấp dẫn cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được đánh giá là những trung tâm tài chính mới nổi trên đà tăng trưởng mạnh mẽ bởi Global Financial Center Index (GFCI) của Tổ chức Z/Yen, hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu này.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh tài chính, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho rằng mặc dù là vấn đề khó và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, song thành công của đề án này sẽ mở ra 5 cơ hội lớn về kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; Thu hút đầu tư nước ngoài; Cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao; Nâng cao chuẩn mực thị trường tài chính trong nước; Nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Giải pháp đồng cho một “cú bứt phá”

Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị yêu cầu quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt trong việc thực hiện đề án. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đây không phải chỉ là việc riêng của Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng mà là trách nhiệm của cả nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 Bộ, ngành và địa phương, tập trung vào 5 trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính, mở rộng hội nhập quốc tế và bảo vệ an ninh tài chính.

Để triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025. Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đề xuất chính sách đảm bảo sức cạnh tranh và đồng hành cùng địa phương. Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần tập trung chuẩn bị các điều kiện nền tảng, đặc biệt là về hạ tầng và nguồn nhân lực đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất chính sách và huy động nguồn lực cũng đóng vai trò quan trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần tập trung chuẩn bị các điều kiện nền tảng, đặc biệt là về hạ tầng và nguồn nhân lực đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược. (Ảnh: Vietnam+)

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác quốc tế, Trung tâm Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được kỳ vọng không chỉ là biểu tượng thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực cho sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu.

“Tôi tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.