Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản nhưng cũng cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) vẫn được người dân sản xuất. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Liên quan tới chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã bày tỏ sự ủng hộ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng vấn đề nguồn nhân lực đang đặt ra cấp thiết hơn khi sắp tới đây, cùng với việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều dự án trọng điểm cũng được nghiên cứu xúc tiến đầu tư như Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai; Dự án xây dựng Mạng quan trắc phóng xạ quốc gia…

Tái đào tạo - hình thành nguồn nhân lực “mạnh”

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Chí Thành nhấn mạnh nguồn nhân lực trong ngành năng lượng nguyên tử “khó tìm” bởi đặc thù của ngành khó nên không hấp dẫn các bạn trẻ, cũng như sinh viên theo học, bên cạnh đó thu nhập không bằng nhiều ngành nghề khác nên đào tạo nhân lực không dễ dàng, do vậy vấn đề nguồn nhân lực đang đặt ra cấp thiết hơn khi sắp tới đây, cùng với việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều dự án trọng điểm cũng được nghiên cứu xúc tiến đầu tư.

Việt Nam phát triển chương trình điện hạt nhân cũng cần tính toán việc đào tạo, chuẩn bị thêm nguồn nhân lực cũng như tái đào tạo nguồn nhân lực đã được đào tạo về điện hạt nhân từ Liên bang Nga, Nhật… cũng như những cơ chế để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo hiện đang làm việc ổn định ở lĩnh vực khác quay lại với điện hạt nhân để hình thành nguồn nhân lực “mạnh," những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện hạt nhân, bởi nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công.

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đội ngũ nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm các cơ quan chuẩn bị công tác quản lý, công tác pháp quy về hạt nhân, các cơ quan phục vụ cho quá trình xây dựng, lắp đặt và cơ quan vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Do đó, đội ngũ nhân lực đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp quy hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai cần tiếp tục được tái đào tạo để hình thành nguồn nhân lực mạnh, chuyên gia mạnh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phục vụ cho việc xây dựng, triển khai và vận hành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nhân lực cho công tác xây dựng lắp đặt cũng cần tới hàng trăm kỹ sư, công nhân… đội ngũ này cũng cần được đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên ngành sâu bằng việc cử sang trực tiếp học tập và làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga, cùng với đó là sự chuẩn bị nguồn lực để kêu gọi sự tham gia của chuyên gia nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng theo ông Trần Chí Thành, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh về công nghệ, phân tích an toàn hạt nhân và các lĩnh vực liên quan đến năng lượng nguyên tử, đội ngũ này tiếp tục được đào tạo sẽ trở thành những chuyên gia mạnh, phát huy được vai trò trong việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tiếp tục đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản

Ông Nguyễn Nhị Điền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" ngày 18/820210, nhằm đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân và yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Việt Nam đã cử sang Liên bang Nga đào tạo gần 400 người, Nhật gần 100 người và các nước khác gần 100 người... cùng với đó là lực lượng chuyên gia công tác trong ngành năng lượng nguyên tử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... cũng được cử đi đào tạo.

Năm 2016 khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực được đào tạo sau khi kết thúc phần lớn trở về Việt Nam công tác tại EVN, công tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, một số tiếp tục theo học thạc sỹ, tiến sỹ. Ngoài ra, một số nhân lực sau đào tạo được phía Liên bang Nga thuê ở lại làm dự án điện hạt nhân tại Nga, Bangladesh...

Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), nơi được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vào năm 2009. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Nguyễn Nhị Điền cho rằng với việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Đối với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản đã chuyển ngành có thể thu hút họ quay trở lại điện hạt nhân, cùng với đó, tái đào tạo để nâng cao trình độ và năng lực.

Cũng theo ông Nguyễn Nhị Điền, nguồn nhân lực được đào tạo hiện nay chưa đủ cho việc vận hành khi Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đi vào hoạt động. Thực tế từ kinh nghiệm quốc tế, để nhà máy điện hạt nhân vận hành cần tới hàng nghìn người, vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân./.