Xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và ngập úng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tập trung vào các giải pháp chống ngập và tiêu thoát nước.

Trận mưa làm ngập khu vực hàng dừa, đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hôm 9/11. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Bình Dương đang đối mặt với thách thức lớn trong việc xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống thoát nước, hồ điều hòa và công trình kiểm soát triều cường.

Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập úng mà còn tạo ra môi trường sống bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai.

Đô thị hóa và áp lực thoát nước

Bình Dương hiện là một trong những điểm sáng về đô thị hóa của cả nước. Theo Sở Xây dựng tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương đã đạt 85%, cao gần gấp đôi mức trung bình cả nước (42-43%). Tỉnh có 5 thành phố trực thuộc gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát (tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước).

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị khiến hệ thống thoát nước hiện tại chưa đáp ứng kịp trong điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Ví dụ, khu vực suối Giữa ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, dù cách thành phố mới Bình Dương hơn 10km nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nước đổ về suối gây ngập úng, thậm chí chia cắt tuyến đường huyết mạch Hồ Văn Cống. Người dân phải đối mặt với tình trạng ngập lụt thường xuyên, khiến giao thông trở nên khó khăn.

Xuất hiện cảnh chèo thuyền lạ lẫm tại ngã ba Cống - con phố trung tâm Thủ Dầu Một. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ông Trần Lễ Trí, cư dân lâu năm, chia sẻ trong năm 2024, khu vực này đã ít nhất 5 lần bị ngập, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Tình trạng ngập úng không chỉ diễn ra ở suối Giữa mà còn ở các khu vực có mật độ khu công nghiệp cao như Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Hệ thống cống thoát nước nhỏ và chưa đồng bộ, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thoát nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước ban đầu được thiết kế cho quy mô nhỏ nhưng việc đô thị hóa nhanh chóng và các lưu vực khác kết nối vào hệ thống chung khiến khu vực hạ du chịu áp lực lớn trong việc tiêu thoát nước. Khi mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, tình trạng ngập cục bộ ở đô thị là điều khó tránh khỏi.

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và ngập úng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tập trung vào các giải pháp chống ngập và tiêu thoát nước. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai để giảm thiểu thiên tai và bảo vệ cuộc sống người dân.

Một trong những dự án đáng chú ý là hệ thống thoát nước cho thị trấn Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, diện tích hơn 2.356ha. Dự án này đã giúp khu vực trung tâm Dĩ An thoát khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên sau mỗi trận mưa lớn.

Công trình chống ngập khu vực ngã ba Cống đang bị nghẽn do vướng mặt bằng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Dự án quan trọng khác là hệ thống kiểm soát ngăn triều và chống ngập mặn Bình Nhâm, thành phố Thuận An, với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công trình này bảo vệ các khu vực ven sông Sài Gòn khỏi triều cường và xâm nhập mặn.

Anh Lê Văn Hữu, nông dân phường Bình Nhâm, chia sẻ: “Nhờ công trình ngăn triều, vườn măng cụt của gia đình không còn bị ngập, cây cối phát triển tốt hơn."

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ nguồn nước và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý hạ tầng đô thị. Bằng cách này, Bình Dương từng bước khắc phục tình trạng ngập úng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, khẳng định Ban cam kết hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là cam kết của Bình Dương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tích hợp công nghệ thông minh vào quản lý đô thị

Để nâng cao khả năng dự báo và ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (Trung tâm IOC) đã tích hợp hệ thống giám sát camera tại các trục đường và khu vực quan trọng. Hệ thống này giúp quản lý và cảnh báo kịp thời các vấn đề như an toàn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, bão và ngập lụt, hỗ trợ cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, IOC còn tích hợp hệ thống giám sát toàn diện việc xả thải của các khu công nghiệp, theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường 24/24h, xử lý kịp thời vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào quản lý hạ tầng đô thị, gia tăng khả năng dự báo, cảnh báo và điều chỉnh hành động phù hợp trước các tình huống thời tiết cực đoan, góp phần xây dựng đô thị thông minh và bền vững."

Cán bộ Trung tâm giám sát, điều thành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương quan sát hệ thống tích hợp quản lý tài nguyên môi trường, khí thải trên địa bàn toàn tỉnh. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Hiện nay, IOC Bình Dương tích hợp nhiều nền tảng giám sát và điều hành trên toàn tỉnh, với 146 bảng điều hành phục vụ quản lý từ tỉnh đến xã. Hệ thống hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo hằng ngày, đã kết nối 13/19 sở, ban, ngành và hoàn thiện triển khai tại 9 huyện, thị, thành phố, với quyền truy cập đến 91 xã, phường.

Dữ liệu được truyền tải qua nền tảng web, ứng dụng di động và màn hình lớn, có chức năng tự động trình chiếu trên các màn hình điều hành hằng ngày qua ứng dụng “Chính quyền số Bình Dương."

Chống ngập và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của Bình Dương trong quá trình phát triển bền vững. Các giải pháp cải thiện hệ thống thoát nước và triển khai công trình bảo vệ môi trường đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trong tương lai, với sự đầu tư vào hạ tầng và công nghệ thông minh cùng chuyển đổi kinh tế xanh và sản xuất xanh, Bình Dương kỳ vọng giải quyết triệt để bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tạo môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân./.