Xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Bà Rịa-Vũng Tàu nhận diện rõ những lợi thế cũng như các nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh tế biển, xác định các khâu đột phá để xây dựng tỉnh thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Ngày 13/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” với sự tham dự của các nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết Hội thảo giúp tỉnh nhận diện rõ những lợi thế cũng như các nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh tế biển, xác định các khâu đột phá về khuôn khổ mang tính chiến lược và các giải pháp trọng tâm, động lực giúp địa phương phát triển nhằm xây dựng Đề án hiệu quả trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội thảo, Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án Đỗ Thiên Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tóm tắt nội dung đề án, đề xuất 5 quan điểm phát triển kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, tỉnh cần phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái biển...
Đề án đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước; 4 trọng tâm và động lực phát triển mô hình kinh tế biển (gồm: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn); 11 giải pháp, trong đó có việc hình thành trường Đại học/Viện nghiên cứu kinh tế đại dương xanh Quốc gia tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng đề xuất nghiên cứu và thí điểm 4 công cụ mới trong huy động nguồn lực gồm: phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phí quyền xây dựng, phí bù đắp đa dạng sinh học và huy động trái phiếu đô thị. Đối với cơ chế, chính sách về tiếp cận đất đai và tài nguyên, Đề án đề xuất tỉnh nghiên cứu giải pháp các nước đang sử dụng như gộp đất, ngân hàng đất đai, bán quyền phát triển và thu phí đất chưa sử dụng….
Tại đây, nhiều ý kiến của nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã đề cập đến việc tỉnh cần xác định rõ kinh tế biển, cảng là số 1 của địa phương; từ đó lan tỏa ra các ngành kinh tế khác.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cần xác định rõ, xây dựng Trung tâm kinh tế biển cho cả quốc gia chứ không phải chỉ riêng của tỉnh. Vì vậy, Đề án cần đưa ra giải pháp cụ thể để triển khai như xây dựng được cơ chế hình thành đội tàu vận tải biển, dịch vụ bờ; xây dựng một hệ thống nghiên cứu về biển phục vụ phát triển; xác định rõ nội dung liên kết vùng, lộ trình cụ thể. Việc phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng cảng biển. Do đó, tỉnh cần xây dựng một cảng tầm cỡ quốc tế tại Cái Mép-Thị Vải...
Đây là lần thứ 2, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo để đóng góp ý kiến vào Đề án này, sau lần đầu tiên vào ngày 15/4 vừa qua./.