Xác định 10 giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh Việt Nam
Hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam gồm: Yêu nước, khoan dung, hoà bình, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, tự trọng, tự tin, sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cốt lõi của xây dựng và phát triển văn hóa học đường là xây dựng hệ giá trị và rèn thái độ, ứng xử cho học sinh.
Sau ba năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề tài CT2019.08.01 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) do tiến sỹ Vương Thị Phương Hạnh chủ nhiệm đã chỉ ra hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới gồm 10 giá trị: Yêu nước, khoan dung, hoà bình, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, tự trọng, tự tin, sáng tạo.
Kết quả nghiên cứu đã được tiến sỹ Vương Thị Phương Hạnh trình bày tại hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chiều ngày 22/8.
Hai phương án hệ giá trị
Với 10 giá trị nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án hệ giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phương án 1 là hệ giá trị văn hóa đóng. Với phương án này, khi tổ chức giáo dục giá trị văn hóa trong nhà trường sẽ thực hiện với 10 giá trị đã đưa ra.
Theo đó, hệ giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới gồm 10 giá trị. Mỗi giá trị trong hệ giá trị văn hóa này đều có đặc trưng riêng đồng thời có tính tương quan chặt chẽ, giao thoa với nhau, vừa có tác động thúc đẩy vừa là điều kiện để phát triển những giá trị còn lại.
Tiến sỹ Hạnh lấy ví dụ giữa tự tin và sáng tạo: Học sinh tự tin vào bản thân mình, tin mình làm được, làm tốt thì mới có thể có động lực để phát huy thế mạnh của bản thân, để có bản lĩnh vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra và từ đó mới có thể sáng tạo. Các cặp giá trị khác có sự tương quan như: yêu nước và khoan dung; hòa bình và hợp tác; tự trọng và trách nhiệm; trung thực và kỷ luật.
Phương án 2 là hệ thống giá trị văn hóa mở. Với phương án này, khi tổ chức giáo dục giá trị văn hóa, có thể linh hoạt điều chỉnh các giá trị trong các cấp độ cũng như bổ sung thêm những giá trị phù hợp với tiêu chí/lựa chọn của nhà trường.
Ở phương án này, các giá trị trong hệ giá trị văn hóa được phân định theo ba cấp độ: Cấp độ một gồm các giá trị mang tính cá nhân (như tự trọng, kỷ luật, trách nhiệm, trung thực, tự tin…), cấp độ hai là các giá trị đặc trưng cho dân tộc/quốc gia (như yêu nước, khoan dung…) và cấp độ ba là các giá trị có xu thế toàn cầu/nhân loại (hòa bình, hợp tác, sáng tạo…).
Các giá trị trong hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới có sự sắp đặt trước sau, trong đó những giá trị mang tính đặc trưng dân tộc, những giá trị có xu thế toàn cầu được xếp ở phía trên so với những giá trị mang tính cá nhân. Tuy nhiên, sự sắp đặt này mang tính tương đối vì bản thân mỗi giá trị, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lại là một biến số.
Nền tảng căn bản của nhân cách
Theo tiến sỹ Vương Thị Phương Hạnh, giáo dục giá trị nói chung của mỗi quốc gia đều hướng đến những giá trị phù hợp với yêu cầu cụ thể về mô hình nhân cách của quốc gia đó. Do đó, ứng với một mô hình nhân cách có rất nhiều lựa chọn về giá trị. Vì thế, đạt được một sự đồng thuận về hệ giá trị hay tập hợp giá trị cho giáo dục giá trị nói chung, giáo dục giá trị văn hóa nói riêng đưa vào trong nhà trường phổ thông trong phạm vi quốc gia là bài toán khó.
[Phát triển văn hóa học đường: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục]
Việc lựa chọn và xác định giá trị văn hóa cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới nêu trên được nhóm thực hiện trên 5 nguyên tắc cơ bản: Chỉ xác định những giá trị cốt lõi; phù hợp với hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam; kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống; tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại; phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông. Các tiêu chí lựa chọn giá trị văn hóa gồm: tính phù hợp, tính đại diện, tính nhân văn, tính truyền thống, tính hiện đại, tính định hướng.
Cũng theo tiến sỹ Vương Thị Phương Hạnh, giáo dục giá trị nói chung và giáo dục giá trị văn hóa nói riêng không phải là giảng dạy về các giá trị mà là bồi dưỡng ý thức giá trị, khơi gợi, đánh thức ở cá nhân học sinh cách nhìn nhận, đánh giá riêng của mình về cái đúng, cái tốt, cái đẹp… với các sự việc, hành động của chính bản thân mình và người khác.
“Chỉ khi nào ý thức bên trong của mỗi cá nhân thức tỉnh, chấp nhận hay bác bỏ thì các giá trị mới thực sự là có giá trị hay không,” bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cho rằng việc xác định được những giá trị văn hóa căn bản, cốt lõi cần hình thành ở học sinh và tìm ra con đường giáo dục giá trị văn hóa đúng đắn, phù hợp với thực tiễn trường phổ thông Việt Nam hiện nay có vai trò quan trọng trong việc hạn chế những tác động mặt trái của kinh tế thị thường và quá trình toàn cầu hóa đối với giới trẻ.
“Giáo dục giá trị cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo nền tảng căn bản của nhân cách làm ‘kim chỉ nam’ cho mọi hành động của các em,” bà Hạnh nói./.