WTO đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu
WTO nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nước mà tổ chức này gọi là "các quốc gia kết nối" trong chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu, đặc biệt là Mexico và Việt Nam, tiếp theo Ấn Độ.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 2,7% trong năm nay, bất chấp những rủi ro có thể nảy sinh từ các cuộc xung đột trên thế giới như ở khu vực Trung Đông.
WTO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nước mà tổ chức này gọi là "các quốc gia kết nối" trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, đặc biệt là Mexico và Việt Nam, tiếp theo là Ấn Độ.
Theo bản cập nhật Báo cáo triển vọng thương mại toàn cầu được công bố ngày 10/10, con số trên cao hơn so với dự báo 2,6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Tư vừa qua. Sự điều chỉnh dự báo này dựa trên dữ liệu tích cực trước đó.
Theo báo cáo, thương mại hàng hóa toàn cầu đã có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến hết năm nay, song ở mức độ vừa phải, và có thể kéo sang cả năm 2025.
Theo Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, mặc dù có những cơ sở để kỳ vọng thương mại toàn cầu dần phục hồi trong năm nay song các nước vẫn cần thận trọng trước những nguy cơ tiềm ẩn, nhất là nguy cơ leo thang căng thẳng địa chính trị ở những khu vực trên thế giới chẳng hạn như ở Trung Đông. Trong trường hợp đó, các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp có thể hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất.
Ngoài ra, xung đột cũng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu và hoạt động vận tải biển, dẫn đến biến động hoạt động thương mại toàn cầu.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các nước không ngừng nỗ lực thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng toàn diện và bao trùm, đảm bảo sự ổn định kinh tế toàn cầu và tăng trưởng bền vững.
Đối với từng khu vực, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ở châu Á diễn ra mạnh mẽ hơn so với ở châu Âu. Cụ thể, báo cáo nhận định khối lượng xuất khẩu của châu Á sẽ tăng tới 7,4% vào năm 2024, tức nhanh hơn so với các khu vực khác. Khu vực này chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay, trong đó động lực chính là từ Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu ở châu Á cho thấy những xu hướng trái chiều. Nếu như xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn thì các nước khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam hoạt động này đang tăng mạnh.
Sự thay đổi này cho thấy vai trò đang nổi lên của các nước được đề cập ở vế sau mà WTO gọi là "các quốc gia kết nối" xuyên khu vực bất chấp xung đột, do đó có thể giúp làm giảm nguy cơ phân mảnh trong các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Theo giải thích của ông Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO, hiện nhiều hoạt động thương mại xuyên khu vực dường như đang được thực hiện thông qua các quốc gia kết nối này, trong khi nhiều mối quan hệ thương mại song phương trực tiếp khác lại chịu ảnh hưởng.
Khu vực Nam Mỹ cũng đang trên đà phục hồi trong năm nay, sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong cả xuất khẩu và nhập khẩu vào năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của châu Phi đang cùng nhịp với xu hướng toàn cầu.
WTO dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,7% trong cả hai năm 2024 và 2025. Trong đó, khu vực châu Á sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay, dự báo ở mức 4%. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực châu Âu dự báo ở mức 1,1%./.