WB: Sản xuất công nghiệp và tăng trưởng tín dụng "nhích" nhẹ
Chuyên gia của WB cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp của VN tăng 2,6% so với cùng kỳ vào tháng Tám do nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng Tám của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra ngày 18/9 cho thấy việc tăng tốc giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc tập trung vào cơ sở Hạ tầng Xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Công nghiệp cải thiện nhẹ và vẫn còn yếu
Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng nhẹ 2,6% (so cùng kỳ) vào tháng Tám phù hợp với mức cải thiện khiêm tốn hàng tháng kể từ tháng 5/2023. Sự cải thiện này là do sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, bao gồm thực phẩm và đồ uống cũng như xăng dầu.
Bên cạnh đó, sản xuất đồ nội thất và dệt may cũng được cải thiện trong tháng Bảy và tháng Tám so với một năm trước đó. Điều này phản ánh kỳ vọng nhu cầu bên ngoài được cải thiện trước mùa Giáng sinh và điều chỉnh tăng tăng trưởng ở Mỹ và Nhật Bản vào năm 2023.
Tuy nhiên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bao gồm giày dép và sản phẩm da, điện tử, máy tính, điện thoại di động (bao gồm cả linh kiện), phương tiện cơ giới và thiết bị vận tải tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022.
[WB: Tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ đạt 4,7% trong năm 2023]
Dù vậy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 50,5 vào tháng Tám sau 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng suy giảm (từ tháng 3 đến tháng 7 năm), cho thấy sự cải thiện nhẹ trong điều kiện kinh doanh.
Cũng theo chuyên gia WB, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với mức 5,1% so với tháng Bảy nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch (11%- 12%).
Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn. Doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng 11,4% vào tháng Tám phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch (21,3%) và dịch vụ lưu trú và nhà hàng (10,8%).
Việt Nam đón khoảng 1,2 triệu du khách quốc tế trong tháng Tám, tăng 17% so với tháng Bảy phản ánh mùa du lịch cao điểm trong năm. Lượng khách quốc tế trong 8 tháng đạt 7,8 triệu lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn 30% so với mức trước đại dịch (2019).
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục giảm lần lượt 7,3% (so cùng kỳ) và 8,1% (so cùng kỳ) vào tháng Tám. Tuy nhiên, hoạt động xuất-nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng Năm, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu đã có thể đã chạm đáy.
FDI và tăng trưởng tín dụng cải thiện
Báo cáo của WB chỉ ra rằng trong tháng Tám, cam kết FDI đạt 1,9 tỷ USD, giảm 32% so với tháng Bảy. Tuy nhiên, cam kết FDI lũy kế 8 tháng lên tới 18,1 tỷ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân FDI vẫn ổn định, đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân FDI lũy kế đến tháng 8/2023 đạt 13,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022.
"Cam kết và giải ngân FDI ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu," chuyên gia WB nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tín dụng đã tăng từ mức 9,0% (so cùng kỳ) trong tháng Bảy lên 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng Tám nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch và vẫn dưới mức trần tín dụng định hướng hàng năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho 2023 (14%).
Tăng trưởng tín dụng thấp - bất chấp 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất tiền gửi/cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn từ 3 đến tháng 6 và thanh khoản thị trường dồi dào - phản ánh đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục yếu, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư yếu.
Báo cáo cũng chỉ ra, lạm phát tính theo CPI tăng từ mức 2,1% (so cùng kỳ) trong tháng Bảy lên 3,0% (so cùng kỳ) trong tháng Tám, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 tháng liền kề trước đó, trong đó thực phẩm và nhà ở tiếp tục là hai nguyên nhân chính.
Chuyên gia WB phân tích, trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát CPI.
Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài.
WB khuyến nghị cần tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn đồng thời tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn./.