WB: Dù tăng trưởng, Việt Nam vẫn cần cải thiện môi trường kinh doanh

Chuyên gia WB cho biết trong khi tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý 3, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng Chín của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/10 khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ năng công nghệ để thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.

Sản xuất công nghiệp hồi phục

Báo cáo của WB nhận định GDP của Việt Nam tăng 5,3% so cùng kỳ trong quý 3, từ mức 4,1% và 3,3% tương ứng trong quý 2 và quý 1. Quý 3 tăng trưởng là bởi khu vực công nghiệp đang dần phục hồi, đóng góp 1,9% vào GDP. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp phản ánh sự cải thiện liên tục trong xuất khẩu hàng hóa kể từ tháng 5/2023.

Trong quý 3, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tương ứng là 6,2% và 3,7% so cùng kỳ. Hai khu vực này tương ứng đóng góp 2,7 và 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý 3. Tốc độ tăng trưởng và đóng góp này tương đương với hai quý trước.

[Việt Nam là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa Canada trong ASEAN]

Cũng theo WB, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng dương thứ 5 trong tháng 9, kể từ tháng 5/2023. IIP tăng 3,5% so cùng kỳ trong quý 3 được hỗ trợ bởi tăng trưởng các lĩnh vực sản xuất trong nước và định hướng xuất khẩu như chế biến thực phẩm (9%), dệt may (14,4%), sản phẩm đồ nội thất (17,8%), kim loại (16,9%).

Khu vực dịch vụ vẫn là khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng (đóng góp 2,7 điểm phần trăm) trong quý 3. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ hàng hóa vẫn ở mức khoảng 50% (6,6% so với cùng kỳ trong quý 3) so với thời kỳ trước COVID (13%-14% so với cùng kỳ), doanh số bán dịch vụ vẫn duy trì ở mức ổn định (9,5%) nhờ sự quay trở lại của khách du lịch quốc tế. Đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành tăng nhanh lên 1,9 điểm phần trăm trong quý 3, so với mức tương ứng 0,8 và -0,1 điểm phần trăm trong quý 2 và quý 1.

Tuy nhiên, WB cũng cho biết Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) đã quay trở lại vùng suy giảm (49,7) vào tháng Chín sau đợt phục hồi ngắn trong tháng Tám lên trên mốc 50 (50,5), cho thấy sự bất định vẫn tiếp diễn trên con đường phục hồi.

Khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều này thể hiện ở lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục giảm tương ứng 1,2% và 5,0% so cùng kỳ trong quý 3. Tuy nhiên, mức độ thu hẹp này nhẹ hơn nhiều so với hai quý trước, do hiệu suất hàng tháng liên tục được cải thiện bao gồm cả xuất khẩu nông sản, dệt may, điện tử, điện thoại thông minh và vật liệu xây dựng.

Cần chú trọng vào lạm phát, đầu tư công

Các chuyên gia WB cho biết thêm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,13% trong tháng Chín, do đó tăng từ 3,0% (so cùng kỳ) trong tháng Tám lên 3,7% vào tháng Chín, tiếp tục xu hướng tăng mạnh kể từ tháng Sáu.

Lạm phát tăng khá mạnh do giá lương thực, thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao. Ngoài ra, giá dịch vụ vận tải đã đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào lạm phát CPI do đợt tăng giá dầu mới được ghi nhận trong thời gian từ tháng Bẩy đến tháng Chín. Giá dịch vụ giáo dục cũng tăng 7,6% so cùng kỳ trong tháng Chín, trên cơ sở tiếp tục triển khai Nghị định số 81/2021/ND-CP của Chính phủ về điều chỉnh học phí của các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngược lại với lạm phát CPI, lạm phát cơ bản (không bao gồm lương thực, nhiên liệu và giá do chính phủ quản lý) tiếp tục giảm từ 4,0% (so cùng kỳ) vào tháng Tám xuống còn 3,8% (so cùng kỳ) vào tháng Chín.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ 9,4% vào tháng Tám năm 2023 xuống còn 8,7% so cùng kỳ trong tháng Chín phản ánh tình trạng đầu tư tư nhân (bao gồm cả lĩnh vực bất động sản) tiếp tục chậm lại.

Chuyên gia WB cũng chỉ ra, ngân sách Nhà nước bị thâm hụt 5,9 tỷ USD trong quý 3, so với mức thâm hụt 4,6 tỷ USD trong quý 2. Sự suy giảm trong các hoạt động kinh tế tiếp tục có tác động bất lợi đến nguồn thu ngân sách. Trong 9 tháng, tổng thu ngân sách đạt 50,9 tỷ USD, bằng 75,5% dự toán và thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Giải ngân cho đầu tư công vẫn chậm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng cao hơn 45,3% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn chỉ đạt 48% dự toán ngân sách được Quốc hội phê chuẩn cho năm 2023. Một số vấn đề nhức nhối tiếp tục cản trở việc giải ngân kịp thời vốn đầu tư công. Những vấn đề này bao gồm thủ tục phê duyệt và mua sắm kéo dài, quá trình ra quyết định chậm và ngại rủi ro, vướng mắc trong thu hồi đất và tái định cư, cũng như thiếu các vật liệu xây dựng quan trọng như đá và cát.

Chuyên gia WB cho biết trong khi tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý 3 nhờ xuất khẩu dần phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ. Những nỗ lực tiếp tục thực hiện đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Một danh mục đầu tư chiến lược và được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024 và kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng Xanh, có khả năng chống chịu và hạ tầng liên vùng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.

“Cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn,” chuyên gia WB khuyến cáo./.

Thúy Hà (Vietnam+)