Vượt núi vượt rừng, giữ trọn hồn cho chữ Nôm-Dao cổ Đà Bắc
Tuổi đã cao nhưng ông Hềnh vẫn đi xe máy vượt hàng chục km đến các điểm mở lớp trong huyện và các tỉnh lân cận để truyền dạy chữ Nôm-Dao cùng những tri thức văn hóa cho đồng bào dân tộc Dao Tiền.
Dân tộc Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, có nền văn hóa truyền thống lâu đời, có tiếng nói, chữ viết riêng.
Tuy nhiên, theo thời gian, chữ viết của người Dao Tiền nơi đây đang bị mai một.
Với nguyện vọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản địa, ông Lý Văn Hềnh, vốn là người am hiểu ngôn ngữ, chữ viết và còn lưu giữ nhiều sách Dao cổ đã mở các lớp học miễn phí truyền dạy cho người dân bản Sưng và các địa phương lân cận biết đọc, viết chữ Nôm-Dao cổ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao Tiền.
Lớp học dạy chữ Nôm-Dao ở bản Sưng được xây dựng theo phong tục của người Dao, đó là có vị trí cao, lưng tựa núi, phía trước mặt là không gian thoáng đạt có thể phóng tầm mắt ra xa.
[Người bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ]
Lớp học có gần 30 học sinh là những người đàn ông Dao Tiền với nhiều độ tuổi khác nhau cùng các em nhỏ ở bản Sưng và các bản lân cận.
Ông Hềnh xuất thân từ gia đình có truyền thống học chữ Nôm-Dao. Ngay từ nhỏ, ông đã được bố truyền dạy chữ viết, văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Dao.
Từ năm 18 tuổi, ông thành thạo chữ viết, các làn điệu dân ca, các câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ dân tộc Dao Tiền, các điệu múa dân gian và các tập tục trong việc hành lễ tâm linh.
Với vốn chữ Nôm-Dao thành thạo, ông Lý Văn Hềnh đã sưu tầm, viết, biên soạn và phổ biến các cuốn sách dạy chữ viết Nôm-Dao, sách về tâm linh, luật tục, tập tục của người Dao Tiền cho cộng đồng người Dao ở các địa phương trong tỉnh.
Trước thực tế số đông người dân tộc Dao, không chỉ các em nhỏ mà ngay cả nhiều người trung niên, cao tuổi không am hiểu và biết viết, đọc chữ Nôm-Dao cổ của dân tộc mình, năm 2008, được sự giúp đỡ của thành viên Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, ông Hềnh đã lập tờ trình đề nghị Ủy ban Nhân dân xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được dạy phổ biến chữ Nôm-Dao cho cán bộ và nhân dân trong vùng.
Với tâm nguyện truyền dạy chữ viết cho cộng đồng và để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền cho các thế hệ mai sau, sau khi được sự cho phép và hỗ trợ từ chính quyền, ông Hềnh bắt đầu dạy chữ Nôm-Dao cho con cháu trong gia đình, dòng tộc và nhân dân trong vùng bằng phương pháp học cổ truyền. Đến nay, hầu hết mọi người đều am hiểu rõ về ngôn ngữ, chữ viết, tập tục của người Dao và có thể truyền dạy các tri thức của người Dao cho những người xung quanh.
Ông Lý Hồng Minh, lớp trưởng lớp học chữ Nôm-Dao của ông Hềnh tại bản Sưng chia sẻ, người Dao Tiền ở bản Sưng ai cũng ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa. Người đàn ông Dao Tiền phải biết ngôn ngữ, chữ viết để thờ cúng tổ tiên. Lớp học của thầy Hềnh mở ra dân bản Sưng ai cũng vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi cùng các thế hệ con cháu trong bản được học chữ, học được những lễ nghi, phong tục tập quán của ông cha.
Tại lớp học của ông Hềnh, các học sinh không chỉ được học về chữ viết Nôm-Dao cổ mà còn học các làn điệu dân ca Dao Tiền như: hát Khía, hát đối đáp giao duyên và hát trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao như: múa chèo, múa chuông, điệu nhảy…Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã khác trong tỉnh Hòa Bình hay các tỉnh lân cận như Mộc Châu (Sơn La), Thanh Thủy (Phú Thọ) khi biết có lớp học chữ Dao đã đăng ký tham gia mong học được đọc thông viết thạo chữ Nôm-Dao để truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình, dòng tộc.
Tuổi đã cao nhưng ông Hềnh vẫn đi xe máy vượt hàng chục km đến các điểm mở lớp tại các địa phương trong huyện và các tỉnh lân cận để truyền dạy chữ Nôm-Dao cùng những tri thức văn hóa vốn có cho đồng bào dân tộc Dao Tiền.
Đến nay, ông Hềnh đã mở được sáu lớp học chữ ở các xã: Cao Sơn, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Tân Pheo, Hiền Lương và hai lớp ở Phú Thọ và Sơn La.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Sơn Bàn Văn Xuân cho biết từ ngày có lớp học chữ Dao của thầy Hềnh, người dân bản Sưng và các địa phương trong huyện Đà Bắc đã hiểu, biết đọc, viết ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao.
Điều này đã góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp của dân tộc Dao Tiền Đà Bắc.
Chính quyền xã Cao Sơn cũng như huyện Đà Bắc nhiều năm qua đã tạo mọi điều kiện để người dân tộc thiểu số nói chung và người dân tộc Dao Tiền trên địa bàn có thể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.