Vương quốc Anh hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế ASEAN
Năm nay là năm ASEAN tăng cường thực hiện Quan hệ Đối tác Đối thoại của Vương quốc Anh, đặc biệt với việc thành lập Chương trình Hội nhập Kinh tế Anh-ASEAN trị giá lên tới 25 triệu bảng Anh.
Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, phái đoàn Anh tại ASEAN ngày 24/4 đã tổ chức buổi tọa đàm thảo luận về “Chương trình hội nhập kinh tế ASEAN-Anh.”
Chương trình có sự tham dự của đại diện phái đoàn các nước ASEAN, một số tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu chính sách, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế...
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Phái đoàn Vương quốc Anh tại ASEAN, bà Sarah Tiffin, nhấn mạnh chương trình hội nhập kinh tế này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và đặc biệt là chương trình cải cách kinh tế ASEAN mà Vương Quốc Anh đã thực hiện từ năm 2018-2023. Nước này đã đóng góp hơn 19 triệu bảng Anh (khoảng 23,62 triệu USD) để hỗ trợ cải thiện lâu dài môi trường kinh doanh ở bảy quốc gia thành viên ASEAN.
Chương trình hội nhập kinh tế ASEAN-Anh nằm trong chuỗi chương trình nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác đối thoại mới giữa hai bên.
Bà Tiffin nhấn mạnh năm nay là năm tăng cường thực hiện Quan hệ Đối tác Đối thoại của Vương quốc Anh, đặc biệt với việc thành lập Chương trình Hội nhập Kinh tế Anh-ASEAN trị giá lên tới 25 triệu bảng Anh.
Chương trình sẽ được thực hiện trong bốn năm tới và dự kiến sẽ mang lại các hoạt động có tác động cao nhằm hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế ASEAN, bằng cách tận dụng chuyên môn của các tổ chức Vương quốc Anh để hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) thực hiện các sáng kiến của ASEAN nhằm giảm nghèo trong khu vực, và đặc biệt hỗ trợ trao quyền kinh tế cho phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ.
Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn, đã gửi thông điệp tới sự kiện, trong đó nêu rõ ASEAN hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với Vương quốc Anh. Vương quốc Anh có chuyên môn đáng kể về công nghệ xanh và biết cách định vị mình là một trong những đối tác quan trọng nhất trong ASEAN trong hành trình trở thành nền kinh tế carbon thấp, bền vững.
Ông cũng bày tỏ mong muốn mời Vương quốc Anh hỗ trợ thực hiện các sáng kiến này trong chương trình.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề bào gồm tác động của nền kinh tế kỹ thuật số, cải thiện các rào cản thương mại, khả năng tiếp cận nguồn tài chính, trao quyền cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế.
Chương trình hội nhập kinh tế ASEAN-Anh sẽ được triển khai ở tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và Timor Leste, tập trung vào ba lĩnh vực chính: hỗ trợ cải cách quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế và thương mại; thúc đẩy Thương mại mở để giải quyết các rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN và thúc đẩy thương mại toàn cầu, bao gồm cả với Vương quốc Anh; Tăng cường và hiện đại hóa các dịch vụ tài chính và khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp trên khắp ASEAN và Timor-Leste./.