Vướng mắc triển khai thu phí lòng đường, hè phố tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết số 15 nhưng còn gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật.
Trước những vướng mắc khi triển khai thu phí tạm thời lòng đường, hè phố từ đầu năm 2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức và lập Đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố, áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Trong quá trình triển khai và nghiên cứu các quy định liên quan, Ủy ban Nhân Thành phố Hồ Chí Minh gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật.
Cụ thể, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhưng phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Như vậy, đơn vị được giao quản lý lòng đường và hè phố có phải lập đề án khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Trước đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, với mức phí từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng.
Mức phí được áp dụng theo giá đất bình quân tại 5 khu vực (mỗi khu vực sẽ có tuyến đường trung tâm và các tuyến còn lại).
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm, giữ xe máy, xe môtô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố./.