Vùng thông báo bay Hà Nội có hiện tượng thời tiết nguy hiểm do bão số 3

Bão số 3 (bão WIPHA) sẽ ảnh hưởng đến Vùng thông báo bay Hà Nội (FIR Hà Nội), xuất hiện mây đối lưu, gây mưa rào, dông và hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Theo Trung tâm Khí tượng Hàng không (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM) vừa đưa ra dự báo bão số 3 (bão WIPHA) tiếp tục di chuyển nhanh về phía đất liền với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Vào lúc 19h ngày 20/7, tâm bão cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 480km về phía Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Bão di chuyển hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Từ đêm 20/7 và sáng 21/7, hoàn lưu bão ảnh hưởng đến phía Đông các phân khu 1, 2, 3 thuộc Vùng thông báo bay Hà Nội (FIR Hà Nội), xuất hiện mây đối lưu, gây mưa rào, dông và hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Từ 21h đến 24h ngày 21/7, tâm bão có khả năng chạm phân khu 2 FIR Hà Nội, cách sân bay Nội Bài khoảng 250km.

Trong ngày 21-22/7, Sân bay Nội Bài có lúc có mưa vừa đến mạnh, có dông, tầm nhìn giảm còn 1,3km, cảnh báo mưa lớn diện rộng. Từ ngày 21-23/7, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn >150mm/3 giờ.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài khuyến nghị hành khách và các đơn vị hoạt động tại cảng theo dõi sát tình hình thời tiết; chủ động cập nhật thông tin từ hãng hàng không và bố trí hành trình phù hợp; phối hợp với lực lượng chức năng trong nhà ga để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có công điện và yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, đơn vị dịch vụ bay theo dõi chặt diễn biến bão để điều chỉnh hoặc thay đổi lịch bay phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay đồng thời tăng cường kiểm tra sân bay, nhà ga và hệ thống điều hành bay.

Ngay từ khi có tin đầu tiên về bão WIPHA (từ khi còn là áp thấp nhiệt đới gần biển Đông), Trung tâm Khí tượng hàng không đã chỉ đạo Trung tâm Cảnh báo thời tiết chủ trì, trực giám sát, phối hợp cùng kíp trực thảo luận đưa ra nhận định, dự báo, cảnh báo về cường độ, đường đi, phạm vi ảnh hưởng của bão với độ tin cậy cao nhất; cung cấp các bản tin và cập nhật theo đúng quy định tới các bên liên quan để ứng phó với bão.

Trước diễn biến phức tạp về đường đi, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của bão, các kíp trực khí tượng chủ động theo dõi sát sao, cập nhật liên tục diễn biến của bão, trao đổi với các vùng thông báo bay (FIR) lân cận nhằm đảm bảo chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ sở điều hành bay nhằm có phương án ứng phó bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay./.