'Vua phóng sự' Huỳnh Dũng Nhân kể chuyện '40 năm-Đi, yêu và viết'
Cuốn sách thể hiện sự yêu nghề, yêu văn chương, yêu báo chí của tác giả, một cây bút viết phóng sự nổi tiếng và được mọi người mến mộ gọi tên “Vua phóng sự”.
Ngày 17/6, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt cuốn hồi ký "40 năm-Đi, yêu và viết" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).
Cuốn sách 600 trang gói gọn sự nghiệp của “cây bút phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân, trong đó có những lần “ăn Tết giữa rừng chó sói”, chui xuống hầm lò Mông Dương hay lang thang trong “chợ trời” Hà Nội để “tôi đi bán tôi.”
Từ năm 2015, khi nghỉ hưu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã ấp ủ mong muốn viết một cuốn sách lưu giữ những kỷ niệm, những kinh nghiệm được coi như “của để dành” ông có được sau hơn 4 thập kỷ làm báo.
Ông đã hoàn thành nguyện vọng này bằng việc dồn hết tâm huyết vào 4 chương sách: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, các bài lý luận báo chí của Huỳnh Dũng Nhân và những bài viết về Huỳnh Dũng Nhân.
Tất cả các bài viết đều lồng ghép đan xen phân tích các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết viết hồi ký không khó mà lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi ông lại có quá nhiều chuyện muốn nói.
[Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Người có niềm đam mê với cây cọ vẽ]
Đang bắt tay soạn bản thảo cho tập sách này thì tháng 4/2021, ông bất ngờ bị tai biến, phải ngưng công việc lại một thời gian, bây giờ bàn tay trái vẫn yếu, ông chỉ đánh máy được bằng tay phải, song Huỳnh Dũng Nhân vẫn quyết tâm thực hiện cuốn sách này.
"Tôi viết để cho tôi, cho gia đình, bạn bè tôi. Năm nay, tôi gần 70 tuổi, tôi phải viết kẻo không kịp. Qua câu chuyện của mình, biết đâu cũng có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây," tác giả giãi bày.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay Huỳnh Dũng Nhân đã bộc lộ năng khiếu văn chương nghệ thuật từ nhỏ, khi đang là học sinh phổ thông đã có những bài thơ, tranh, truyện in trên sách báo.
“Cuốn sách như là cuốn phim chiếu chậm đang tái hiện những kỷ niệm tuyệt đẹp trong trí nhớ của ông. Đối với Huỳnh Dũng Nhân, nghề cầm bút đã đem lại cho ông một cuộc đời đẹp nhất," nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Đánh giá về cuốn sách, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân là con người tài hoa. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được thể hiện khá đầy đủ, khái quát trong cuốn sách này.”
Theo ông Toàn, cuốn sách thể hiện sự yêu nghề, yêu văn chương, yêu báo chí của tác giả, một cây bút viết phóng sự nổi tiếng và được mọi người mến mộ gọi tên “Vua phóng sự”.
“Tôi cảm nhận trong cuốn sách này có sự kết hợp giữa văn chương với báo chí rất rõ. Cuốn sách rất có giá trị đối với những người làm nghề, đặc biệt là những nhà báo trẻ bởi trong đó có đầy đủ những kiến thức làm nghề và trải nghiệm của chính tác giả, người yêu nghề báo cháy bỏng như anh thường nói với đồng nghiệp rằng nếu có kiếp sau thì anh vẫn tiếp tục làm nghề báo," nhà báo Phạm Quốc Toàn nói thêm./.