Vụ sập cầu Phong Châu: Vận hành 2 phà cơ động phục vụ người dân qua sông Hồng
Trước mắt, các đơn vị liên quan vận hành phà 2 chiều theo quy định bao gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe môtô từ ở 2 đầu phà, thời gian mỗi chuyến khoảng 15-20 phút.
Theo thông tin từ Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh), thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ 14 giờ ngày 4/10, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân khu 2 và tỉnh Phú Thọ vận hành thử nghiệm 2 phà cơ động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tạm dừng hoạt động cầu phao do nước sông Hồng (đoạn chảy qua khu vực cầu Phong Châu nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, Phú Thọ) dâng cao.
Theo đó, lực lượng chức năng căn cứ tình hình thực tế để vận hành phà hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua phà.
Trước mắt, các đơn vị liên quan vận hành phà 2 chiều theo quy định bao gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe môtô từ ở 2 đầu phà (đường dẫn cũ của cầu phao) tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) sang xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao) và ngược lại.
Mỗi phà sử dụng 3 đốt khơi ghép lại với nhau, chiều dài 20m, rộng 6,5m. Thời gian mỗi chuyến di chuyển từ bến này sang bến kia khoảng 15-20 phút. Mỗi chuyến chở được gần 40 người và phương tiện qua sông
Cơ quan chức năng vẫn triển khai tuần tra tìm kiếm người mất tích, trục vớt phương tiện và các nhịp cầu bị sập sau sự cố sập cầu Phong Châu.
Khu vực tuần tra trên sông được các cơ quan liên quan triển khai bao gồm cả 2 bên bờ từ cầu Phong Châu đến khu vực nhà nổi phường Minh Nông, khu vực phường Bến Gót, thành phố Việt Trì và ngược lại với hơn 230 người (ngoài lực lượng quân đội, còn có lực lượng dân quân, công an và cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ).
Phương tiện tìm kiếm gồm: 11 xuồng, 15 máy lặn đồng bộ, 2 máy nén khí, 4 sà lan, một cần cẩu 70 tấn, 4 máy múc và 4 ô tô tải.
Lữ đoàn Đặc công 126 (Quân chủng Hải Quân) cử 2 tổ gồm 30 chiến sỹ đo mực nước, tốc độ dòng chảy; xác định vị trí lặn tiếp cận đáy sông khu vực chân cầu Phong Châu đến khu vực lắp cầu phao.
Bước đầu, các chiến sỹ đã lặn tiếp cận đáy sông, phát hiện phía dưới rất nhiều rác, bùn, đất, chưa thấy người và phương tiện, kết cấu cầu bị chìm. Các cơ quan chức năng đánh dấu các vị trí đã lặn để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Cùng ngày, Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng triển khai lặn tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu do ảnh hưởng của bão số 3.
Tại buổi kiểm tra, Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân đề nghị, các đơn vị liên quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dòng nước chảy xiết, tầm nhìn dưới nước rất hạn chế, phù sa lớn, thợ lặn phải luân phiên nhau duy trì liên tục dưới nước, vận dụng tốt các kỹ thuật chuyên môn tìm kiếm nạn nhân.
Công tác an toàn cho thợ lặn luôn được chú trọng, hệ thống thông tin liên lạc luôn duy trì thông suốt từ chỉ huy trên bờ với chỉ huy dưới xuồng và thợ lặn dưới nước được đảm bảo.
Việc tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu là công việc rất phức tạp; do đó, lực lượng thợ lặn Hải quân thực hiện khẩn trương, thận trọng với tinh thần, quyết tâm cao nhất./.