Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Quyết định nhảy dù của tổ bay là chính xác

Mặc dù theo chỉ lệnh được phép nhảy dù ngay nhưng tổ bay đã tiếp tục bay thêm 20km hướng về phía núi, khi nhận thấy an toàn, không ảnh hưởng tới người dân mới nhảy dù.

Trung tướng Phạm Trường Sơn thăm hỏi, động viên Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (Chủ nhiệm bay). (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Sáng 7/11, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên 2 phi công gặp nạn, đồng thời khẳng định quyết định nhảy dù của 2 phi công là hoàn toàn chính xác.

Trường hợp này trong chỉ định là phi công phải nhảy dù, không được hạ cánh khẩn cấp trên đường băng đất, đường băng bêtông, kể cả đường băng đã rải các chất chống cháy. Bởi khi 1 càng (càng phải) của máy bay không bung ra thì hạ cánh sẽ không cân bằng, gây cháy nổ, phi công sẽ hy sinh ngay.

Trung tướng Phạm Trường Sơn cũng nhận định mặc dù theo chỉ lệnh được phép nhảy dù ngay nhưng tổ bay đã tiếp tục bay thêm 20km hướng về phía núi, khi nhận thấy an toàn, không ảnh hưởng người dân mới nhảy dù. Đây là một sự hy sinh rất lớn, hành động dũng cảm của phi công để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.

Do trời có mưa, gió nên dù đã đưa 2 phi công rơi xa hơn 10km... "Ngay từ đầu, chúng tôi xác định phải tập trung tìm kiếm 2 phi công ngay trong đêm," Trung tướng Phạm Trường Sơn nói.

Lãnh đạo lực lượng quân đội thăm hỏi, động viên Đại tá Nguyễn Văn Sơn (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940, Trường Sỹ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân). (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Về nguyên nhân của tai nạn, Trung tướng Phạm Trường Sơn nhận định sơ bộ là do lỗi về kỹ thuật. Khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng chính bên phải không ra. Đây là một tình huống phức tạp, trong chỉ lệnh bắt buộc phi công phải bung dù.

Kể lại vụ việc, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (1 trong 2 thành viên tổ bay của chiếc máy bay quân sự gặp nạn) cho biết: Ngay sau khi xác định máy bay đã an toàn với người dân, anh và Đại tá Nguyễn Văn Sơn mới quyết định nhảy dù.

Khi nhảy dù xuống khu vực rừng núi, anh đã cố gắng tránh rừng cây, nhưng điều kiện thời tiết xấu khiến khi rơi xuống bị treo ở trên cây (cao 10m so với mặt đất).

Sau hơn 10 phút ổn định lại sức khỏe, anh mới quyết định bám theo cành cây để xuống mặt đất.

Sau khi tiếp đất, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã xem xét các bước xử lý tiếp theo trong đó có việc xác định hướng để tìm được khu vực có sóng điện thoại.

Do đó, anh đã cố gắng đi theo hướng ngược lại hướng dù rơi và leo lên đỉnh núi cao hơn 700m thì mới có sóng điện thoại. Sau khi liên lạc được, anh đã gửi cho các đồng đội vị trí cụ thể...

Ngay sau khi tìm được 2 phi công ở khu vực rừng sâu vào đêm 6/11, cơ quan chức năng đã đưa 2 phi công vào Bệnh viện quân y 13 để kiểm tra sức khỏe.

Hiện tại, tình hình sức khỏe của 2 phi công cơ bản đã ổn định. Chủ yếu bị chấn thương phần mềm, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Trường Sơn và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn động viên 2 phi công, tuyên dương sự dũng cảm, mưu trí của tổ bay; đồng thời đề nghị bệnh viện dành nhân lực, vật lực tốt nhất chăm sóc sức khỏe cho 2 phi công.

Trước đó, TTXVN đã thông tin về vụ máy bay rơi tại tỉnh Bình Định. Vào trưa 6/11, trong khi đang tổ chức bay huấn luyện tại Sân bay Phù Cát, Bình Định (bay đường dài - không vực - xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp), Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng sau gặp sự cố.

Máy bay cất cánh lúc 9 giờ 55 phút, đến 10 giờ 38 phút khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được. Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù./.