Vụ cháy tại Cầu Giấy: Làm sao để không còn những vụ cháy tang thương?
Chia sẻ nỗi đau với các gia đình người bị nạn trong vụ cháy ở Cầu Giấy, dư luận lại nhức nhối câu hỏi: Vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội, làm sao tránh nỗi đau tương tự?
Thảm hoạ vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân cách đây vài tháng chưa nguôi ngoai, cả nước lại bàng hoàng trước vụ hỏa hoạn vào rạng sáng 24/5 ở một nhà trọ trong ngõ 43 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Chia sẻ nỗi đau với các gia đình người bị nạn, dư luận lại nhức nhối câu hỏi: Vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và làm sao tránh những tang thương tương tự?
Vào hồi 0 giờ 46 phút ngày 24/5 tại hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, xảy ra vụ cháy. Nơi “bà hỏa” thăm là một ngôi nhà ở và cho thuê để ở, được xây dựng khoảng 150m2 trên tổng diện tích khu đất hơn 200m2, phần diện tích còn lại là khoảng sân trống để xe máy, xe đạp, xe đạp điện.
Hậu quả là 14 người chết, 3 người bị thương. Việc điều tra, làm rõ vụ cháy cũng như xử lý vi phạm đang được lực lượng chức năng tiến hành. Chính quyền đang tiến hành rà soát, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư mini, nhà cho thuê ở thành phố.
Song từ vụ cháy ở ngôi nhà trên, nhiều người đã liên tưởng tới thảm họa chung cư mini ở quận Thanh Xuân cũng như nhiều vụ cháy nhà trọ, nhà dân khác ở Hà Nội thời gian qua bởi những điểm chung “chết người."
Đó là ngôi nhà này quá chật chội, không có lối thoát hiểm, không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn kịp thời. Nhà lại nằm trong sâu trong ngõ, hẻm chật hẹp khiến xe chữa cháy không tiếp cận được để kịp thời dập lửa, cứu người…
Những điểm chung “chết người” này cũng phản ánh thực tế bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ồ ạt cùng làn sóng di dân từ nông thôn về thành thị đã khiến nhu cầu nhà ở tại các đô thị tăng đột biến, nhất là các đô thị lớn. Và đó là lý do những năm gần đây, loại hình nhà ở kết hợp cho thuê để ở, cùng loại hình chung cư mini “mọc như nấm sau mưa” ở Hà Nội.
Với diện tích nhỏ, mật độ cư dân đông, các ngôi nhà này thường nằm sâu trong ngõ, ngách ở các quận nội đô hoặc huyện ven đô, với quy mô nhiều tầng. Mà hầu hết các ngôi nhà này đều không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ.
Thực trạng đáng ngại này càng ám ảnh hơn khi mới đây, Bộ Công an cho biết qua kiểm tra 3.956 nhà chung cư trên cả nước đã phát hiện hàng ngàn chung cư vi phạm ở khắp các tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1.087 chung cư vi phạm về thoát nạn và khoảng 2.024 chung cư vi phạm về trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Đối với loại hình nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, lực lượng Công an đã phát hiện quá nửa trong số gần 178.200 lượt cơ sở được kiểm tra còn tồn tại vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, điện lực.
Bộ Xây dựng vừa qua cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hiện có gần 40.000 công trình có tồn tại về phòng cháy chữa cháy, tích lũy qua nhiều năm, với các tồn tại khác nhau, không dễ để khắc phục. Những công trình này vi phạm nguyên tắc an toàn cơ bản như nhà nhiều tầng, tập trung đông người nhưng chỉ có một lối thoát nạn; nhà nhiều tầng sử dụng thang hở, trong trường hợp có cháy không kiểm soát, khói sẽ nhanh chóng lan theo thang hở và xâm chiếm vào các tầng, gây rủi ro cho người sử dụng công trình…
Trở lại với vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở trong ngõ 43, phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân, dư luận cũng băn khoăn là dường như nhiều năm qua, mỗi khi có hoả hoạn làm nhiều người chết thì chính quyền địa phương và các cấp các ngành lại “rốt ráo” ban hành chỉ thị, công văn yêu cầu kiểm tra rà soát; nối sau đó là những đợt ồ ạt ra quân kiểm tra các lĩnh vực liên quan.
Thế nhưng, những giải pháp này chỉ mang tính tình thế. Gốc rễ vấn đề là đòi hỏi các giải pháp vừa mang tính bao quát, đồng bộ vừa phải rất chi tiết, cụ thể!
Như chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An đã thẳng thắn chỉ rõ: về dài hạn, chúng ta phải có hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để giảm dần thuê trọ tự phát như hiện nay.
Ở Hà Nội đang còn nhiều quỹ đất để triển khai xây nhà cho người có thu nhập thấp thuê, cần phải có cơ chế và phải đi vào thực chất hơn. Đặc biệt khi đã có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các cấp chính quyền phải có biện pháp mạnh tay, rà soát trên địa bàn. Khi thấy các trường hợp có nguy cơ cao, đe dọa đến tính mạng của người dân, phải yêu cầu, thậm chí cưỡng chế người dân bỏ ngay các vật cản, thiết kế thêm lối thoát. Trong quy định nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh phải có phương án, giải pháp phòng cháy, ngăn cháy. Chúng ta nên cấm việc kết hợp sản xuất kinh doanh với phòng trọ. Chúng ta không thể tạo ra những rủi ro cao như vậy.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) cũng nhấn mạnh khi phát triển nhà ở xã hội cần quan tâm hơn phân khúc nhà ở xã hội cho thuê. Hiện loại hình này đã được nhiều ưu đãi nhưng giá vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Nguyện vọng của rất đông người lao động ở đô thị mong được sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng dưới dạng cho thuê trả tiền hằng tháng chứ không phải mua luôn. Khi ở những nơi như này, chắc chắn hạ tầng phòng cháy, chữa cháy sẽ đảm bảo hơn./.