Vụ bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”: Chương trình mới cần cách học mới
Theo Tiến sỹ Phạm Hiệp, dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ không phải là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới vì chương trình mới không học về nội dung mà là phát triển năng lực, kỹ năng.
Trước hàng loạt ý kiến chê bai, chỉ trích dữ dội của cộng đồng mạng về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” in trong sách giáo khoa, một số nhà văn cho hay họ cảm thấy buồn vì nhiều người đã không cảm nhận được giá trị nhân văn của tác phẩm.
Ở góc nhìn giáo dục, một số ý kiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu mới cần có cách học mới.
Bài thơ khác biệt
Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà, được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bài thơ được chia sẻ trong một nhóm về giáo dục với dòng bình luận: “Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?” và đã thu hút hàng nghìn lượt phản hồi, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng bài thơ trúc trắc, khó hiểu và không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa, thậm chí có nhiều phản hồi với lời lẽ nặng nề. Từ nhóm trên, các ý kiến trái chiều của bài thơ cũng được lan rộng trên cộng đồng mạng.
Chia sẻ về vụ việc trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho hay bà cảm thấy đau lòng. Từng là giáo viên dạy văn được đào tạo bài bản, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu.
Lấy dẫn chứng ngay trong câu thơ được nhiều người chê bai nhất là “hót nắng vàng ánh ỏi,” nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho hay từ “ánh ỏi” nghĩa là ngân vang, vút cao, và nhà thơ Tô Hà đã dùng đúng từ để miêu tả tiếng chim hót trong nắng chứ không phải dùng sai từ như cư dân mạng bình luận. Theo nữ nhà văn, ở đây không thể dùng từ “óng ả” như nhiều người nghĩ, và tiếng Việt giàu và đẹp nhờ vào những biện pháp tu từ như cách mà nhà thơ Tô Hà đã dùng.
Cũng theo nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính, nơi mọi thanh âm dù vang động đến đâu thì với các em học sinh ở lớp học này vẫn chỉ là không gian hoàn toàn im lặng. Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô giáo.
“Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn. Sự hoà nhập cuộc sống bình thường dẫu muôn trùng khó khăn của trẻ khiếm thính được nhà thơ ‘chụp’ lại vô ngần trong trẻo, như một bản nhạc nẩy lên trong tịch mịch im lặng của thế giới âm thanh không thể chạm vào. Trẻ khi được học bài thơ này sẽ hiểu và thông cảm hơn với trẻ khuyết tật khiếm thính. “Văn chương nghệ thuật, sứ mệnh là gì? Là hướng thiện! Là vì sự tốt đẹp của con người! Vậy thì ngôn từ đặc sắc, ý nghĩa bao dung. Bài thơ này chỗ nào không xứng? Chỗ nào đáng lên án?” nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà đặt câu hỏi và cho hay bà không thể hiểu một bài thơ hay như vậy về ý nghĩa, về câu từ, về nghệ thuật lại bị mạt sát nặng nề đến thế.
Dễ thuộc, dễ nhớ không phải là tiêu chí
Là giáo viên trực tiếp dạy học sinh theo sách Tiếng Việt lớp 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Phạm Thị Hệ Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá “Tiếng hạt nảy mầm” là một bài thơ hay với từ ngữ khá mới.
Theo cô Hệ Ngân, các bài thơ đưa vào sách giáo khoa trước đây thường có tiêu chí dễ nhớ, dễ thuộc, vần điệu, tuy nhiên “Tiếng hạt nảy mầm” là một bài thơ trong sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới và có nhiều khác biệt. Bản thân các giáo viên lần đầu đọc bài thơ cũng thấy hơi trúc trắc, khó nhớ, cách dùng từ rất mới. Với bài thơ này, học sinh phải đọc nhiều lần mới có thể trơn, thuần.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng đây cũng là cách tiếp cận mới, đa dạng hơn, là chủ trương, đòi hỏi của chương trình mới và có thể là chủ ý của ban soạn thảo khi lựa chọn đưa bài thơ vào sách giáo khoa. Học sinh có góc nhìn đa dạng hơn về thơ, thơ không chỉ là những bài có vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt, khi hiểu ý nghĩa của từ, thông điệp của tác giả, các em có thể thấy đây là bài thơ hay, giàu giá trị nhân văn. Bài thơ đã mang đến thông điệp tích cực cho học sinh,” cô Hệ Ngân chia sẻ.
Là nhà nghiên cứu giáo dục, Tiến sỹ Phạm Hiệp đồng tình với quan điểm này. Theo ông Hiệp, các ý kiến tranh luận chỉ là cảm nhận cá nhân. Muốn đánh giá bài thơ về việc có đáp ứng yêu cầu để đưa vào sách giáo khoa hay không cần căn cứ vào khung chương trình, chuẩn đầu ra của học sinh lớp 5.
Theo yêu cầu của khung chương trình, một trong những yêu cầu đối với học sinh lớp 5 là phải hiểu từ ngữ, hình ảnh, biện pháp so sánh, nhân hoá trong văn bản, nêu những điều học được từ bài thơ, lựa chọn được điều tâm đắc nhất, nêu được thay đổi, hiểu biết, ứng xử của bản thân sau khi đọc văn bản.
Với các yêu cầu đó, việc học sinh học bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”, với sự hướng dẫn của giáo viên thông qua các câu hỏi đã được thiết kế trong sách giáo khoa, giúp các em hiểu được về bối cảnh, ý nghĩa của bài thơ, hiểu được tại sao giáo viên trong bài thơ phải dạy theo cách riêng “bàn tay cô cụp mở” và các âm thanh trong bài thơ lại có sự đặc biệt.
“Tôi cho rằng lựa chọn bài thơ này ở lớp 5 là rất phù hợp. Ở góc độ sư phạm, yêu cầu đặt ra không chỉ là cảm nhận tác phẩm mà thông qua đó người học phải nắm được một vấn đề gì trong cuộc sống, và với bài thơ này, vấn đề đó là những đối tượng đặc biệt trong xã hội và học sinh cần có sự thấu cảm với họ,” Tiến sỹ Phạm Hiệp chia sẻ.
Cũng theo ông Hiệp, dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ không phải là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới vì chương trình mới không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, không học về nội dung mà là phát triển năng lực, kỹ năng. Yêu cầu của chương trình là sau bài học, học sinh rút ra được điều gì, có năng lực gì, hiểu gì về cuộc sống.
Ông Hiệp cho rằng học sinh cần phải tiếp cận các tác phẩm đa dạng hơn, thậm chí là những bài thơ không có vần để phù hợp với xã hội hiện đại. "Bài thơ 'Tiếng hạt nảy mầm' đã ra đời cách đây 50 năm. Tôi cho rằng học sinh thậm chí cần học những bài thơ mới hơn của các nhà thơ hiện đại," Tiến sỹ Phạm Hiệp nói./.