Vụ 600 mặt hàng sữa giả: Lỗ hổng quản lý cần được lấp đầy
Vụ việc phát hiện hơn 600 mặt hàng sữa giả không chỉ là câu chuyện liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn đặt ra những vấn đề trong cơ chế cấp phép, quản lý thị trường sữa hiện nay.
Vụ việc mới đây liên quan đến phát hiện hơn 600 mặt hàng sữa giả đã làm dấy lên làn sóng lo ngại lớn trong dư luận.
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm sữa này.
Không chỉ là câu chuyện liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng mà sự việc còn đặt ra những vấn đề trong cơ chế cấp phép, quản lý thị trường sữa hiện nay.
Hồi chuông cảnh báo
Những ngày qua, sữa giả trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt trong xã hội sau khi Bộ Công an thông tin về vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group.
Điều đáng nói, cơ quan chức năng xác định đường dây do các bị can điều hành đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai với số tiền thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Sau khi vụ việc bị bóc trần, người tiêu dùng cả nước không khỏi bàng hoàng, lo lắng và phẫn nộ trước vấn nạn thực phẩm giả đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội. Đây thực sự được ví như quả bom tấn dội thẳng xuống thị trường sữa cũng như tác động lớn tới tâm lý người tiêu dùng.
Xung quanh lỗ hổng pháp lý vẫn còn nhiều bất cập, giới phân tích chỉ rõ: Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cho thấy thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm là: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trong đó, với nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố.
Chính sách này được xem là bước cải cách tích cực, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động linh hoạt, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, dán nhãn “sữa bột cao cấp” hoặc “sản phẩm dinh dưỡng” rồi quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nêu rõ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Các sản phẩm sữa bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Điều đáng nói, Bộ Công Thương không có thẩm quyền cấp phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp mà việc này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố. Như vậy, có thể thấy một phần trách nhiệm liên quan đến việc cấp phép hoạt động ban đầu nằm ngoài phạm vi trực tiếp của Bộ Công Thương.
Thực tế cho thấy trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa. Riêng trong 4 năm từ 2021-2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.
“Điển hình như địa bàn Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng; tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là 5.853 lon, hộp, chai... với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng,” ông Trần Hữu Linh thông tin.
Trước thông tin về vụ sữa giả và trách nhiệm của ngành công thương, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhấn mạnh: Do đây là doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế, theo quy định của pháp luật hiện hành, Sở Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể tiến hành kiểm tra với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, kiêm Giám đốc Trung tâm BSA nêu rõ: Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và việc hậu kiểm cho thấy còn nhiều lỗ hổng.
“Không thể để thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa cho trẻ em, bị đánh tráo trắng trợn như vậy mà không bị trừng trị thích đáng,” bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc khối luật của Công ty Luật SBLAW phân tích kỹ hơn. Theo Luật sư, "Hành lang pháp lý về phòng, chống hàng giả đã tương đối đầy đủ, song thực tiễn vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Cụ thể, từ Nghị định 98/2020/NĐ-CP với quy định cụ thể về xử phạt hành chính, đến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với các điều 192, 193, 194 về tội sản xuất và buôn bán hàng giả, cùng nhiều luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại... đều đã thiết lập khung pháp lý để kiểm soát chất lượng sản phẩm, ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn và xử lý hành vi gian lận."
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các quy định này vẫn tồn tại không ít bất cập. Một trong những điểm đáng lo ngại là cơ chế tự công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP đang bị lạm dụng. Với nhiều nhóm thực phẩm chức năng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường mà không trải qua thẩm định hay kiểm nghiệm độc lập.
Nếu không có khâu hậu kiểm nghiêm túc, điều này dễ dẫn tới tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được “hợp pháp hóa” bằng giấy tờ đầy đủ. Chế tài xử phạt hành chính hiện nay cũng chưa thực sự đủ sức răn đe. Mức phạt vài trăm triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán hàng giả, vốn có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Một điểm nóng khác là quản lý hoạt động phân phối và quảng cáo trên môi trường trực tuyến. Nhiều sản phẩm giả mạo, quảng cáo sai sự thật vẫn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhưng chưa có quy định đủ mạnh buộc các nền tảng này phải gỡ bỏ nội dung vi phạm, ngăn chặn tái quảng cáo hoặc chịu trách nhiệm liên đới khi tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Cuối cùng, việc quản lý sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm và phản ánh từ người tiêu dùng hiện chưa được số hóa hoặc kết nối đồng bộ, khiến việc phát hiện bất thường, xử lý vi phạm và phản ứng liên thông giữa các cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại.
Không ít ý kiến cho rằng trách nhiệm trong vụ việc phát hiện gần 600 nhãn hiệu sữa giả không thể đơn thuần quy về một cá nhân hay tổ chức duy nhất mà đây là sự tổng hòa của trách nhiệm ở nhiều cấp độ khác nhau trong hệ thống quản lý.
Vì vậy, đã đến lúc cần tính đến việc quy về một mối, tinh gọn và sáp nhập các quy trình liên quan đến quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nhằm tạo ra một hệ thống minh bạch, trách nhiệm và đủ sức răn đe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nâng cao trách nhiệm
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả, trong đó có sữa giả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường quản lý thị trường, sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết...

Với phạm vi trách nhiệm của mình, tại Công điện hỏa tốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên vai trò Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là những mặt hàng có hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Nhằm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong phòng chống hàng giả, ông Trần Hữu Linh khẳng định Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc khối luật của Công ty Luật SBLAW, cho hay: Tới đây, cần rà soát, sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng chuyển sang hình thức đăng ký công bố có kiểm soát với các nhóm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, tăng cường hậu kiểm bắt buộc thay vì chỉ kiểm tra khi có phản ánh; bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Hơn nữa, do nhiều sản phẩm sữa giả, thực phẩm chức năng giả được quảng cáo và tiêu thụ công khai qua mạng xã hội, livestream, sàn thương mại điện tử nên cần bổ sung trong Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thực phẩm hoặc Luật Bảo vệ người tiêu dùng ràng buộc trách nhiệm của nền tảng số trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn quảng cáo sai sự thật. Xử lý trách nhiệm pháp lý của KOLs, người nổi tiếng nếu quảng bá sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Mặt khác, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật mới đã được Quốc hội thông qua năm 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) nhưng vẫn cần cụ thể hóa quyền khởi kiện tập thể khi có nhiều người bị hại bởi cùng một sản phẩm; đơn giản hóa quy trình khiếu nại, tố cáo để người tiêu dùng dễ tiếp cận công lý hướng tới môi trường minh bạch và lành mạnh./.