Vụ 5 container điều xuất sang Algeria: Nguy cơ mất trắng

Cho đến thời điểm hiện tại, công ty xuất khẩu sở hữu lô hàng chưa nhận được phản hồi từ chính quyền Algeria và toàn bộ số hàng đã bị hải quan cảng Mostaganem bán đấu giá.

(Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN)

Liên quan đến vụ 5 container điều xuất khẩu sang Algeria, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có thông tin cập nhật mới nhất.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Vinacas cho biết do việc cập nhật chưa kịp thời nên thông tin lô hàng đã được hải quan cảng Mostaganem dừng đấu giá trước đó là chưa chính xác.

Qua trao đổi với doanh nghiệp xuất khẩu, hiện 5 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam đã bị hải quan cảng Mostaganem, Algeria bán đấu giá và không thể kéo hàng về.

Doanh nghiệp có khả năng mất trắng lô hàng với tổng giá trị là 466.900 USD (khoảng 11 tỷ đồng).

Tới thời điểm hiện tại, trong số 5 container này có 2 container là người trúng đấu giá đã lấy hàng ra và bán; 3 container còn lại nhờ Vinacas và Thương vụ Việt Nam tại Algeria tác động kịp thời nên tạm thời hải quan Algeria đang niêm phong tại kho.

[Cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Algeria]

Doanh nghiệp vẫn đang cố gắng làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam và chính quyền Algeria để yêu cầu giải quyết, hoàn trả lại cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, khả năng thu hồi được là rất thấp.

Thông tin được doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng cho biết hải quan cảng Mostaganem, Algeria đã làm sai thông lệ quốc tế khi tự ý đấu giá lô hàng mà không thông báo với chủ sở hữu lô hàng.

Doanh nghiệp chỉ nhận được thông tin về sự vụ sau khi hải quan đấu giá công khai hạn chế lô hàng.

Ngay khi có thông tin về việc đấu giá, doanh nghiệp đã gửi công văn để cầu cứu hỗ trợ tới các cơ quan liên quan, đồng thời đã bay sang Algeria làm việc trực tiếp với hải quan cảng Mostaganem từ ngày 28/3.

Đồng thời, gửi công văn đề nghị gặp và làm việc với các cơ quan chính quyền của Algeria thông qua Tổng Cục Hải quan, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam để yêu cầu phía Algeria gửi văn bản chính thức làm rõ về quy trình đấu giá của hải quan, nguyên tắc xử lý và luật áp dụng.

Cho đến thời điểm hiện tại, công ty xuất khẩu sở hữu lô hàng chưa nhận được phản hồi từ chính quyền Algeria và toàn bộ số hàng đã bị hải quan cảng Mostaganem bán đấu giá đồng thời người mua hàng đã di dời 2/5 container hàng ra khỏi cảng.

Ngoài ra, theo thông tin doanh nghiệp nhận được, sắp tới sẽ có kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ giữa Việt Nam và Algeria, doanh nghiệp khẩn thiết nhờ các cơ quan chính quyền Việt Nam (Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương) đặt vấn đề với chính phủ Algeria về trường hợp này để bảo vệ quyền lợi cho công ty cũng như cần làm rõ các vấn đề về nguyên tắc xử lý và luật áp dụng để các doanh nghiệp khác tránh được các rủi ro tương tự.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Algeria có công điện cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu sang Algeria.

Trong công điện gửi các hiệp hội, thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin tháng 8/2022, một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi.

Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này không được phía Algeria công bố).

Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận.

Theo hải quan cảng Mostaganem, công ty ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng.

Theo quy định, hàng hóa nằm tại cảng 4,5 tháng kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)