Vốn FDI đầu tư vào Bắc Ninh tăng mạnh về cả số dự án và vốn đăng ký mới
Tính từ đầu năm đến ngày 20/9, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 339 dự án FDI đăng ký cấp mới, với vốn đăng ký mới đạt 1,56 tỷ USD (tăng 707,4 triệu USD).
Nhờ công tác chỉ đạo điều hành chủ động linh hoạt, phù hợp, quyết liệt và sát thực tiễn, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong 9 tháng năm 2024 được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp-xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ.
Biến động giá cả trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện, bảo đảm tốt an sinh xã hội.
339 dự án FDI đăng ký cấp mới trong 9 tháng
Kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong quý 2 đã thoát tăng trưởng âm, tăng 15,56%, đã kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tăng 6,12%. Sang quý 3, tăng trưởng kinh tế chậm lại so với quý 2, với tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 9 tháng năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 5,52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo khu vực kinh tế, cả 3 khu vực kinh tế đều đạt được mức tăng, trong đó tăng nhiều nhất khu vực dịch vụ, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng ít nhất; riêng thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm cũng tăng nhẹ.
Trong khi đó, với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Chín tháng năm 2024, thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.
Tính từ đầu năm đến 20/9, toàn tỉnh đã thu hút về số lượng được 339 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 75 dự án so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 218 dự án; Hong Kong 37 dự án; Singapore 36 dự án); vốn đăng ký mới đạt 1.568,2 triệu USD (tăng 707,4 triệu USD).
Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 147 dự án (tăng 27 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 2.683,7 triệu USD, (tăng 1.125,6 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 31 lượt (giảm 18 lượt, giảm 36,7%) với giá trị là 51,7 triệu USD (tăng 31,8 triệu USD, tức tăng 159,8%); thu hồi 65 dự án (tăng 22 dự án, tức tăng 51,2%) với tổng vốn đầu tư là 77 triệu USD (tăng 2,2 triệu USD, tức tăng 3%).
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.412 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt gần 29,3 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, trong quý 2, sản xuất công nghiệp phục hồi trên nền tảng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm nhiều của quý 1 (-9,24%), IIP quý 2 tăng mạnh 29,7%. Tuy nhiên, bước sang quý 3, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại, IIP chỉ tăng 4,38%. Tính chung 9 tháng, IIP tăng khá 7,45%.
Trong quý 4, một số doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động có doanh thu của hoạt động sản xuất, cùng với đó các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới đem lại hiệu quả cho hàng xuất khẩu của tỉnh.
Đề xuất 4 nhiệm vụ cho những tháng cuối năm
Sáng quý 4, tình hình thế giới còn có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức với tăng trưởng của tỉnh, khi phải đối mặt với hàng loạt biến động lớn từ bên ngoài và những khó khăn nội tại của tỉnh. Đồng thời, sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra nhiều sức ép.
Để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của tỉnh, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đang được triển khai và đang phát huy hiệu quả, sẽ là yếu tố then chốt giúp Bắc Ninh vượt qua khó khăn duy trì được tăng trưởng tốt.
Để thực hiện được mục tiêu theo dự báo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục hiện nghiêm túc các giải pháp trong Chỉ thị số 01/CT-UBND và các giải pháp đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian vừa qua, Cục Thống kê đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp.
Do rủi ro gia tăng thương mại giữa các nước lớn, xung đột quân sự, biến động chính trị, khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao, tỉnh cần phải theo dõi sát sao, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp như hỗ trợ về lãi suất, giảm thuế...
Tỉnh cần tạo kết nối giữa doanh nghiệp của trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp của địa phương làm doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, qua đó sẽ làm tăng khả năng đóng góp và hưởng lợi của doanh nghiệp địa phương.
Tổ chức hội nghị, hội thảo cho các doanh nghiệp của địa phương nhận thức và năng lực chuyển đổi số để thích ứng với các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tiếp tục cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng của tỉnh để tăng khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.